Nhu cầu mua hay tự làm bánh chưng không chỉ trong mấy ngày Tết mà trong những ngày Rằm, mùng 1 các bà nội trợ cũng muốn có chiếc bánh chưng trên mâm cơm gia đình.
Câu hát “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi” từ lâu như một thước đo vô hình, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tròn trịa của đất trời và sự may mắn an lành của cả năm mới. Do đó, để có một chiếc bánh chưng với hương vị đặc trưng thơm ngon, lớp vỏ mềm dẻo và luôn có màu xanh hấp dẫn không phải là điều đơn giản.
Bánh chưng hình vuông, màu xanh tượng trưng cho Đất, đây cũng là món ăn mà người Việt cúng tổ tiên trong ngày Tết để thể hiện lòng thành uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Những năm gần đây, cứ đến Tết dù ở thành phố hay quê, các gia đình nhỏ lại hối hả mua lá dong, gạo nếp... về gói bánh chưng. Tuy tốn công tốn sức, nhưng bù lại, cả gia đình có thêm tinh thần vui vẻ đón tết, con cái hiểu được truyền thống dân tộc, truyền thống cha ông.
Thói quen gói và nấu bánh chưng cũng được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, cháu truyền cho chắt…từ đó món ăn tinh thần này lại càng được trân trọng. Nguyên liệu nấu bánh phần lớn sẽ giống nhau, chỉ tùy theo khẩu vị và kinh nghiệm của mỗi vùng miền, gia đình mà hương vị và màu sắc của bánh cũng sẽ khác nhau.
Nhiều người thường nghĩ luộc bánh chưng rất đơn giản nhưng để có những chiếc bánh chưng xanh đúng nghĩa, thơm ngon và giữ được lâu thì tất cả mọi khâu cần phải hoàn hảo.
Có lẽ bí quyết nổi tiếng nhất, tạo được thương hiệu riêng chính là cách ngâm gạo với lá riềng:
Dùng lá riềng vò nát hoặc giã nhỏ lấy nước, sau đó trộn với nếp ngay trước khi gói bánh. Cách làm này sẽ giúp vỏ bánh có một màu xanh đẹp mắt từ trong ra ngoài và đặc biệt còn có mùi thơm và hương vị đặc biệt.
Đây là cách làm phổ biến và được rất nhiều người áp dụng. Điển hình là bánh chưng nếp nương lá riềng Điện Biên. Bánh được làm bằng gạo nếp nương Điện Biên, hạt to, dài, có mùi thơm núi rừng. Gạo nếp nương được ngâm với nước cốt lá riềng sau đó mới đem gói. Do đó, những chiếc bánh chưng nếp nương lá riềng luôn có một màu xanh mướt tự nhiên từ trong ra ngoài.
Khâu chế biến được tiến hành một cách chỉn chu, tỉ mẩn từ cách làm lá, lạt cho đến gạo, thịt, đỗ và cách luộc. Các nguyên liệu cũng như cách làm bánh vô cùng công phu, tất cả đều theo công thức gia truyền không đâu có. Bởi vậy, bánh chưng được rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, từ hình thức cho tới chất lượng, mùi vị.
Chia sẻ bí quyết giúp bánh chưng luôn xanh đẹp mắt, bà Trần Thị Kiều (80 tuổi) tại TP. Điện Biên, là gia đình làm nghề truyền thống, nổi tiếng với đặc sản bánh chưng nếp nương lá riềng, cho biết: “Tôi thường phải dày công nghiên cứu xem làm thế nào để bánh xanh được. Một hôm tình cờ có cô bạn làm cùng tôi bảo lá riềng và gạo nếp nương rất hợp nhau, lấy nước lá riềng giã ngâm gạo thì bánh xanh mà thơm lắm. Tôi nghe theo và thế là 30 năm rồi tôi đều gói bánh theo cách này.”
Ngoài cách ngâm gạo với lá riềng, ông cha ta còn có rất nhiều bí quyết luộc bánh chưng xanh tự nhiên vô cùng đơn giản.
Chọn lá dong
Chiêu đầu tiên giúp bạn luộc bánh chưng xanh là cách chọn lá dong. Lá dong có 2 loại lá dong nếp và lá dong tẻ. Nên chọn lá dong có kích thước vừa phải, không to cũng không nhỏ quá. Bề mặt lá láng bóng, xanh đậm, cuống nhỏ, không non mà cũng đừng quá già. Lá dong đem về rửa sạch bằng nước, lấy khăn mềm lau nhẹ để sạch bụi bẩn, nấm mốc, sau đó phơi ở nơi khô ráo, thoáng gió. Chú ý không để dưới nắng mặt trời, lá sẽ bị héo, úa.
Khi luộc bánh, các bạn nên dùng lá dong còn dư để lót đáy nồi. Lượng lá lót này sẽ giúp cho nồi khó bị cháy nhưng vẫn làm tăng sắc xanh của bánh chưng.
Dùng nước tro để ngâm nếp
Vì tro có tính kiềm nhẹ, nên trước khi nấu, một số gia đình miền Trung đã ngâm nếp cùng với nước tro. Điều này làm tăng độ kiềm của nếp, và từ đó khi nấu bánh chưng, nếp sẽ trong hơn, có màu xanh ngọc rất đẹp nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon cần có của bánh chưng.
Dùng nước chanh hoặc nước dứa giúp bánh chưng có màu xanh đẹp mắt
Nước chanh tạo nên môi trường kiềm, nước dứa cũng vậy. Do đó mà bạn có thể ngâm nếp trong nước dứa khoảng 3 tiếng, còn với nước chanh – vì có độ kiềm mạnh hơn nên các bạn chỉ cần vắt chanh vào. Như vậy, bánh sẽ nhanh chín hơn và có được một màu xanh tự nhiên.
Dùng nồi tôn (tole) để nấu bánh chưng xanh tự nhiên
Theo kinh nghiệm lâu năm, nồi tole là nồi tạo ra môi trường kiềm hoàn hảo, điều kiện này sẽ giúp giữ được màu xanh của lá dong, do đó bánh chưng sau khi nấu sẽ có màu xanh rền tự nhiên đẹp mắt và hương vị cũng đậm đà hơn. Nên dùng củi để nấu bánh chưng thay vì than hay gas, lửa củi sẽ ổn định giúp bánh chín đều và ngon nhất.
Bánh chưng thể hiện một nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Việt Nam, thể hiện sự sáng tạo ẩm thực không ngừng của người Việt Nam. Do đó, với những bí quyết hay này, hy vọng bạn sẽ chọn ra cho mình được một cách làm ngon cho những chiếc bánh chưng trưng trong ngày tết thêm xanh đẹp thêm ngon thêm hấp dẫn hơn.
Nguyễn Hà (T/h)