Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch của người phụ nữ bị cụt một tay định tự tử để hai mẹ con “hết khổ”

(DS&PL) -

Ở tuổi ngoài 60 lẽ ra bà Luân phải được an nhàn tuổi già. Thế nhưng, trớ trêu thay hàng ngày bà vẫn phải dắt đứa con gái ngây dại đi khắp nơi “xin ăn” từng bữa.

Ở tuổi ngoài 60 lẽ ra bà Luân phải được an nhàn tuổi già, quây quần bên con cháu. Thế nhưng, trớ trêu thay hàng ngày bà vẫn phải dắt đứa con gái ngây dại đi khắp nơi “xin ăn” từng bữa, cơ cực sống qua ngày trong nỗi khổ triền miên. Đã không ít lần bà định cùng con gái uống thuốc chuột tự tử vì nghĩ cuộc đời sao bất công, bắt mẹ con bà khổ mãi. Song, sống mới khó, chết thì dễ, bà lại gồng mình lên để sống.

Vượt qua thị phi “không chồng mà chửa”…

“Ngôi nhà” nhỏ được che bằng mấy tấm bạt của bà Nguyễn Thị Luân (62 tuổi) ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nằm lặng im trong khu phố ồn ào. Con đường vào nhà bà ngoằn ngoèo như chính cảnh đời, sự éo le mà bao nhiêu năm nay bà phải gồng gánh, đeo mang trên gương mặt chất chứa đầy buồn đau. Bà không thể nói hết được nỗi vất vả cũng như nỗi đau khi hàng ngày nhìn cô con gái ngây dại chỉ cười cười nói nói, thi thoảng hỏi lại “Mẹ ơi bố con đâu?”.

Giữa cái nắng của tháng Sáu, nhưng bà Luân không mời khách vào nhà, bà bảo “Thông cảm cho tôi nhé, trong nhà không còn chỗ mà ngồi vì toàn quần áo và giấy vụn. Ngồi ngoài hiên mát hơn. Mẹ con tôi cũng vừa đi xin đồ ở quanh mấy bờ hồ về, hôm nay thu nhập cũng được kha khá”.

Bà Luân cùng Ngọc (Ảnh: Bá Di).

Chia sẻ với PV ĐS&PL, bà Luân nhớ lại, suốt 40 năm qua sau vụ tai nạn khiến bà trở thành người tàn tật và trở thành người phụ nữ cô độc. Năm 1977, bà đi làm công nhân ở nhà máy gạch và ao ước có được một người đàn ông để xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, bà không may bị tai nạn lao động, mất đi một cánh tay phải. Nghỉ làm, bà thu mình lại vì mặc cảm chỉ biết khóc và nghĩ “cụt tay ai sẽ thuê làm việc, ai lấy mình?”. Cuộc sống của bà xáo trộn, mọi thứ khó khăn bộn bề. Phải mất một thời gian dài bà mới lấy lại tinh thần và chấp nhận một cơ thể không lành lặn.

“Khó xin việc làm, tôi bắt đầu đi nhặt rác kiếm sống cho qua ngày và cũng quên luôn chuyện chồng con khi đã 47 tuổi. Nhiều lúc tôi cũng ao ước có một bờ vai để tựa, một mái ấm gia đình cùng với tiếng cười trẻ thơ. Nhưng, quá lứa lỡ thì và mất một bên tay, có người đàn ông nào dám mở vòng tay ra đón nhận mình nữa. Nghĩ tủi phận lắm nên tôi quyết định đi “xin” một đứa con để nương tựa lúc tuổi già”, bà Luân chia sẻ.

Rồi đứa bé ra đời. Ngày đó, bà chịu biết bao lời ra, tiếng vào, cay đắng hơn người đàn ông đến với bà cũng bỏ đi biệt tích, không lời nhắn nhủ cũng như dòng hồi âm. Bà chấp nhận hết mọi lời đàm tiếu của thiên hạ. Chỉ mong hàng ngày nhặt đủ rác, kiếm đủ ăn và không mong người đàn ông đó sẽ quay lại tìm mẹ con bà.

Thế nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang” khi cô con gái lại mắc chứng động kinh, phá phách suốt ngày, đi đâu bà cũng phải mang con theo. Thậm chí, có lần bà nhốt con lại trong nhà vì sợ con bị lạc. Bà Luân bảo: “Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời lại tiếp tục lâm vào bước đường cùng khi năm 2015 tôi lại bị một chiếc xe tông phải rồi bỏ trốn, bị gãy xương sườn, gãy toàn bộ xương chậu, đi cấp cứu 3 bệnh viện trả về. Hy vọng cuối cùng chợt hiện lên khi được mọi người đưa đến bệnh viện Việt Đức và tôi được cứu sống, ai cũng nói đó là kỳ tích. Có lẽ khi đó tôi nghĩ đến con gái mình nhiều hơn, tôi chết, ai nuôi, ai chăm sóc con, vì thế, phải cố mà sống chứ”.

Chết liệu có “hết khổ”?

Đó là câu hỏi chất chứa trong lòng bà Luân kể từ khi cơ thể đã không lành lặn, lại còn gặp tai nạn thập tử nhất sinh. Những ngày từ viện trở về, sức khỏe chưa bình phục hẳn, nhưng hàng ngày nhìn cô con gái ngây dại lên cơn động kinh, tăng động rất nhiều. Thậm chí con gái bà không tự chủ được vệ sinh, không tự nấu cho mình được bữa cơm, nghĩ đến thôi tim bà như thắt lại/ Câu hỏi “chết liệu có hết khổ?” lại bắt đầu le lói trong tâm trí bà.

Bà bất lực, quằn quại trước nỗi đau đang âm ỉ từng ngày từng giờ nên bà đã định đi mua thuốc chuột về để hai mẹ con cùng ăn, rồi cùng chết và thế là hết những khổ đau của một kiếp người Nhưng khi bà sắp sửa đi đến quyết định bi kịch thì tiếng cười theo bản năng của Ngọc đã đánh thức trái tim đang bắt đầu tê dại, hai hàng nước mắt trên gương mặt khắc khổ của bà cứ thế lăn dài. Lòng mẹ, sao nỡ đành...

“Nhiều hôm vừa đi làm tôi vừa khóc, sao nghèo đói lại đeo bám mẹ con tôi lâu đến vậy. Rồi có hôm đang đi làm cùng mẹ, Ngọc lên cơn động kinh, tôi một tay làm sao giữ con được, đành phải nhờ những người đi đường. Về đến nhà, tôi móc trong túi ra vài nghìn để đi mua thuốc chuột trộn vào cơm ăn xong cả mẹ lẫn con đều chết. Chết để quên đi cuộc đời gian truân, bất hạnh. Nhưng đi được nửa đường tôi lại quay về, tôi có thể chết được, nhưng con gái tôi đâu có tội tình gì. Cuộc đời đã cho mình như vậy thì đành phải chấp nhận thôi”, bà Luân nghẹn ngào.

Từ bỏ ý định “chết là hết”, bà Luân tiếp tục công việc hàng ngày và được mọi người trong xóm giúp đỡ để cuộc sống mẹ con bà tốt đẹp hơn. Bà ngậm ngùi, nếu cuộc sống cho những người phụ nữ khác một người đàn ông như mảnh ghép cuộc đời thì với bà, con gái tên Ngọc chính là mảnh ghép. Bà hạnh phúc được nghe tiếng con cười và ê a như đứa trẻ lên 5.

Cuộc đời bà tuy khó nhọc, nhưng mỗi nụ cười, mỗi câu chuyện mà hàng ngày bà cùng con gái trải qua lại là niềm vui, niềm động viên lớn để bà vượt qua khó khăn và cả những lúc yếu lòng trước bi kịch trầm luân...

Trao đổi với PV ĐS&PL về hoàn cảnh của bà Luân, ông Nguyễn Tiến Hưng - Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 5 (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Cuộc sống của bà Luân đầy những gian truân, vất vả. Bà Luân bị mất bàn tay phải sau một vụ tai nạn lao động đáng tiếc, cuộc sống gia đình cũng không êm ấm khi một mình phải nuôi nấng con gái. Con gái bà Luân năm nay đã 15-16 tuổi, do thần kinh không ổn định nên thỉnh thoảng bé trở nên ngỗ nghịch, phá phách, rất khó kiểm soát. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho bé đến trường để hòa đồng cùng bạn bè, để bà Luân bớt được phần nào gánh nặng”.

Mai Thu - Bá Di

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (95)

Tin nổi bật