Nâng mũi bằng chỉ, mũi bỗng đổi màu "xanh lè"
Theo thông tin từ VnExpress, cô gái 28 tuổi vốn có sống mũi hơi thấp nên đến một thẩm mỹ viện gần nhà để làm thủ thuật nâng mũi, chi phí 15 triệu đồng. Cô được tư vấn dùng phương pháp mới là chỉ nilon sẽ an toàn hơn tiêm filler hay bơm silicon.
Sau khi nâng mũi, cô gái luôn cảm thấy khó chịu bên trong bộ phận này. Bên ngoài mũi, da chuyển sang màu xanh lam, thâm đen, cô bị mọi người trêu là "tắc kè xanh".
Cô gái quay lại thẩm mỹ viện để khắc phục thì được giải thích "vết thương đang lành, màu xanh là do tụ máu bầm, một thời gian nữa sẽ tan". Cô gái phải vào bệnh viện để kiểm tra tình trạng mũi.
Các bác sĩ đã thăm khám và gỡ ra một búi chỉ nylon 2.0 màu xanh đan chặt trong mũi bệnh nhân. Ảnh: VnExpress.
Bác sĩ Lê Quốc Vương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, đã thăm khám và gỡ ra một búi chỉ nylon 2.0 màu xanh đan chặt trong mũi bệnh nhân. Đây là loại chỉ dùng để khâu ngoài da, không được phép dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.
"Nguyên nhân gây khó chịu cho bệnh nhân là một lượng chỉ lớn đã được đưa vào mũi. Màu xanh của chỉ cũng khiến cho da mũi bệnh nhân chuyển thành màu xanh", bác sĩ Vương nhận định.
Tiếp tục xử trí, bác sĩ đã phẫu thuật gắp ra từ mũi cô gái hàng trăm mảnh chỉ với độ dài khác nhau. Một số cơ bên trong mũi đã bị xơ hóa phải nạo bỏ đồng thời vệ sinh sạch sẽ, bơm rửa betadine và kháng sinh để chống nhiễm trùng. Bệnh nhân phải tái khám theo dõi, chờ vài tháng sau mới tiến hành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lại được.
Nâng mũi bằng chỉ có thực sự an toàn?
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Trần Đức Phương, Trung tâm Thẩm Mỹ Dermaster Việt Nam cho biết: "Nâng mũi bằng chỉ thực chất là phương pháp thẩm mỹ an toàn, tuy nhiên cần được thăm khám và thực hiện bởi Bác sĩ có tay nghề. Qua thăm khám, tuỳ vào tình trạng, cấu trúc mũi, mặt của từng người mà bác sĩ sẽ có chỉ định loại chỉ phù hợp, không phải ai cũng có thể sử dụng cùng một loại chỉ. Vì vậy, chọn đúng loại chỉ an toàn, chất lượng được kiểm định là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thẩm mỹ thành công hay thất bại. Những người chỉ được đào tạo vài tháng hoặc không có chuyên môn phẫu thuật đều không thể đảm bảo an toàn khi thực hiện phương pháp này".
Nâng mũi bằng chỉ thực chất là phương pháp thẩm mỹ an toàn, tuy nhiên cần được thăm khám và thực hiện bởi Bác sĩ có tay nghề. Ảnh minh họa.
Cùng quan điểm trên, ThS.BS Ngô Gia Tiến, Trung tâm thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương 108 cho biết, biến chứng do căng chỉ gây nhiễm khuẩn có thể cực kỳ nguy hiểm. Bởi khi sợi chỉ đã bị nhiễm khuẩn, việc loại bỏ chúng trở nên rất khó khăn và thường không thể lấy hết hoàn toàn.
Để lâu, những sợi chỉ này sẽ dần tan trong môi trường nhiễm khuẩn, gây tổn thương nghiêm trọng cho khuôn mặt. Quá trình xử lý sẽ không thể tránh khỏi việc để lại sẹo và có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt nếu không xử lý kịp thời.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, các chị em có nhu cầu làm đẹp cần tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn những trung tâm thẩm mỹ có uy tín, có đội ngũ tư vấn, bác sĩ chuyên khoa để thực hiện dịch vụ. Việc ham rẻ hay tin vào những quảng cáo với "một tấc lên trời" sẽ xảy ra nhiều hậu quả khó lường, nguy hiểm tới tính mạng.
Các chị em có nhu cầu làm đẹp cần tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn những trung tâm thẩm mỹ có uy tín. Ảnh minh họa.
Nếu sau khi nâng mũi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm để được khám và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.
LTS: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khát khao sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Phẫu thuật thẩm mỹ, với lời hứa về sự thay đổi diệu kỳ, đã trở thành một lựa chọn không còn xa lạ. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang và niềm hy vọng về một "phiên bản" đẹp hơn của bản thân, lại ẩn chứa không ít câu chuyện bi hài, thậm chí là những hậu vận đầy cay đắng.
Trang Đời sống & Pháp luật giới thiệu độc giả tuyến bài "Bi hài hậu vận sau thẩm mỹ" nhằm vén màn những góc khuất ít ai ngờ tới của thế giới "dao kéo". Lắng nghe những lời kể xót xa của những người đã từng đặt trọn niềm tin vào "bàn tay vàng" của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng: tiền mất, tật mang, nhan sắc chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Những biến chứng khôn lường, những đau đớn thể xác và cả sự dằn vặt tinh thần đã trở thành gánh nặng đeo bám họ suốt quãng đời còn lại.
Những câu chuyện này không chỉ là lời cảnh tỉnh đanh thép cho những ai đang ấp ủ ý định "trùng tu" nhan sắc, mà còn là hồi chuông gióng lên về trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng. Qua những mảnh đời đầy nước mắt và sự hối hận muộn màng, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn về phẫu thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở những đường nét bên ngoài mà còn tỏa ra từ sự khỏe mạnh, tự tin và yêu thương bản thân.