Theo Pháp luật TP. HCM, BS CKII Lư Huỳnh Thanh Thảo, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca tai biến liên quan đến việc làm đẹp vùng cằm (điều trị cằm đôi, tiêm tan mỡ vùng nọng cằm).
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ (60 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến spa tại TP. Đà Lạt để tiêm mỡ vùng nọng cằm.
Hai tuần sau, bệnh nhân cảm thấy nốt tiêm bị sưng lên, sờ thấy đau. Bệnh nhân có dùng thuốc nhưng tình trạng không giảm nên đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Trường hợp bị biến chứng nặng sau khi tiêm tan mỡ cằm. Ảnh: Dân Trí.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô mỡ dưới da sau tiêm tan mỡ nọng cằm.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (34 tuổi). Người này đã đến một spa ở Đồng Nai để tiêm tan mỡ vùng cằm đôi với mong muốn điều trị cằm đôi, nọng cằm.
Hai ngày sau tiêm, bệnh nhân cảm thấy sưng đau và nóng rát vùng tiêm nên đến thăm khám tại khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Bác sĩ siêu âm thấy bệnh nhân có tích tụ những ổ tụ dịch tại vùng nọng cằm, được chẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ điều trị cằm đôi.
Một trường hợp nữa là bệnh nhân nữ (23 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng mong muốn điều trị cải thiện vùng cằm bằng cách tiêm chất làm đầy vùng cằm. Đáng chú ý, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy vùng cằm tại nhà.
Sau tiêm, bệnh nhân sưng đau vùng cằm, điều trị thuốc nhưng không giảm, vẫn còn sưng đỏ kéo dài. Vì vậy bệnh nhân đã đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu.
Chia sẻ trên Dân Trí, BS CKII Lư Huỳnh Thanh Thảo, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết cằm đôi là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, xuất hiện một nếp gấp da giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn 120 độ và thường đi kèm mất đường viền hàm dưới và góc hàm. Tình trạng này xuất hiện do khiếm khuyết xương cằm, xương móng đóng thấp hay do sự tích tụ mỡ vùng dưới da, cũng như tình trạng da chùng nhão, sa trễ ở người lớn tuổi…
Thống kê cho thấy, 78% người được khảo sát cho rằng sở hữu cằm đôi ít đáng yêu hơn. Còn nghiên cứu của Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ năm 2017 chỉ ra rằng, 73% số người được hỏi cảm thấy khó chịu vì cằm đôi.
Mỗi người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn, cũng như tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang. Ảnh minh hoạ.
Do đó, nhiều đối tượng ở cả nam và nữ gặp phải tình trạng cằm đôi có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này, giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.
Theo bác sĩ Thảo, hiện nay có nhiều phương pháp xử lý cằm đôi, như tiêm tan mỡ, phẫu thuật, sử dụng các thiết bị phát năng lượng nhằm làm giảm mỡ cũng như săn chắc da. Tuy nhiên, hầu hết phương pháp đều mất nhiều thời gian, cần nhiều lần điều trị và có thời gian nghỉ dưỡng.
Với tiêm chất làm đầy, kỹ thuật này được biết đến như phương pháp bồi hoàn thể tích vùng mô thiếu hụt hay giúp tạo đường nét, nâng đỡ trẻ hóa khuôn mặt, do đó có thể được sử dụng điều trị tình trạng cằm đôi, đặc biệt ở những bệnh nhân cằm ngắn, cho hiệu quả nhanh chóng.
Dù vậy, đã có nhiều trường hợp sau khi tiêm tan mỡ cằm hay tạo hình cằm bằng tiêm chất làm đầy, bệnh nhân xảy ra tình trạng loét hoại tử vùng tiêm, u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng….
Nguyên nhân là bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở, spa không được cấp phép, người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tiêm không đúng, tiêm vào các vùng nguy hiểm hay không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị…
Các bác sĩ cảnh báo, việc xử trí, điều trị tai biến luôn tồn tại những khó khăn, thách thức. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là việc phòng ngừa. Mỗi người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn, cũng như tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang.
LTS: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khát khao sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Phẫu thuật thẩm mỹ, với lời hứa về sự thay đổi diệu kỳ, đã trở thành một lựa chọn không còn xa lạ. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang và niềm hy vọng về một "phiên bản" đẹp hơn của bản thân, lại ẩn chứa không ít câu chuyện bi hài, thậm chí là những hậu vận đầy cay đắng.
Trang Đời sống & Pháp luật giới thiệu độc giả tuyến bài "Bi hài hậu vận sau thẩm mỹ" nhằm vén màn những góc khuất ít ai ngờ tới của thế giới "dao kéo". Lắng nghe những lời kể xót xa của những người đã từng đặt trọn niềm tin vào "bàn tay vàng" của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng: tiền mất, tật mang, nhan sắc chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Những biến chứng khôn lường, những đau đớn thể xác và cả sự dằn vặt tinh thần đã trở thành gánh nặng đeo bám họ suốt quãng đời còn lại.
Những câu chuyện này không chỉ là lời cảnh tỉnh đanh thép cho những ai đang ấp ủ ý định "trùng tu" nhan sắc, mà còn là hồi chuông gióng lên về trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng. Qua những mảnh đời đầy nước mắt và sự hối hận muộn màng, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn về phẫu thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở những đường nét bên ngoài mà còn tỏa ra từ sự khỏe mạnh, tự tin và yêu thương bản thân.