Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi hài sập bẫy “giải hạn” online: Cảnh báo lừa đảo từ những chiêu trò trục lợi trên mạng xã hội

  • Nhóm PV
(DS&PL) -

Một số hội nhóm trên mạng xã hội đã lợi dụng vào tâm lý lo âu, mong cầu bình an của không ít người để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Trong thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội trở thành một kênh giao tiếp và chia sẻ thông tin phổ biến. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi để các hội nhóm tâm linh lừa đảo lợi dụng lòng tin của con người nhằm trục lợi cá nhân.

Nhận biết các hình thức lừa đảo tâm linh phổ biến

Các hình thức lừa đảo phổ biến bao gồm bán bùa ngải, vật phẩm phong thủy giả mạo với lời hứa hẹn mang lại tài lộc, tình duyên, sức khỏe. Thực tế, đây chỉ là những món đồ không có giá trị nhưng được nâng giá gấp nhiều lần để lừa người nhẹ dạ cả tin.

Ngoài ra, một số cá nhân tự xưng là “thầy bói”, “cô đồng” có khả năng liên kết với thế giới tâm linh, đưa ra các lời tiên đoán về tương lai hoặc hóa giải vận hạn. Họ yêu cầu người nghe chuyển tiền để làm lễ cúng bái, giải hạn, nhưng thực chất chỉ là chiêu trò dụ dỗ nhằm trục lợi.

Không khó để tìm kiếm những hội nhóm về tâm linh, các bài viết buôn bán bùa chú công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu của PV Đời sống & Pháp luật, trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm thấy các hội nhóm này. Một số hội nhóm còn kêu gọi quyên góp tiền bạc với danh nghĩa giúp đỡ người gặp khó khăn hoặc làm công đức. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, họ biến mất hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân.

Gần đây nhất, Công an tỉnh Hòa Bình đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng trên địa bàn.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2024 đến tháng 2/2025, các đối tượng này sử dụng trang Facebook "Thầy Minh Làm Bùa Yêu Miễn Phí", sau đổi thành "Thầy Hải Làm Bùa Yêu Miễn Phí", đăng tải hình ảnh và video của thầy mo Bùi Văn Minh (sinh năm 1970, trú tại xóm Mận, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang thực hiện lễ cúng theo phong tục người Mường.

Các đối tượng lợi dụng nhu cầu của một số người để lừa bán “bùa yêu” qua mạng xã hội. Ảnh minh họa

Khi có người liên hệ qua Facebook, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản Zalo mang tên "Bùi Văn Minh" hoặc "Bùi Văn Hải" để tư vấn về việc làm "bùa yêu", hàn gắn tình cảm, tài lộc... Họ yêu cầu nạn nhân gửi quần áo đến địa chỉ xóm Mận, xã Văn Sơn để thực hiện các nghi lễ như làm bùa yêu, cắt vong, giải bùa, đồng thời yêu cầu chuyển khoản từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng cho mỗi lần làm lễ. Nhóm này còn gửi cho nạn nhân các video làm lễ được cắt ghép, lồng tiếng để tạo lòng tin.

Với thủ đoạn này, trung bình mỗi tháng, nhóm lừa đảo chiếm đoạt từ 50 đến 70 triệu đồng, sử dụng số tiền này cho chi tiêu cá nhân như ăn uống, thuê nhà, chơi game, mua điện thoại.

Cần phân biệt giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, một chuyên gia văn hóa cho biết,  nước ta có nền văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy người dân cần nâng cao nhận thức, tránh những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, đặc biệt là trên không gian mạng”.

Việc phân biệt rõ ràng giữa tín ngưỡng truyền thống và mê tín dị đoan đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự đẩy mạnh trong công tác giáo dục và tuyên truyền. Đồng thời, cần tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ trên không gian mạng, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tâm linh để trục lợi.

Ngoài ra, để tránh bị rơi vào bẫy của các đối tượng như trên, người dùng cần kiểm chứng thông tin trước khi tin vào các quảng cáo về dịch vụ tâm linh, vật phẩm phong thủy, bùa hộ mệnh.

Không nên tin ngay vào những lời hứa hẹn không có cơ sở khoa học, mà cần tìm hiểu từ các nguồn uy tín, tham khảo ý kiến từ chuyên gia trước khi tin vào bất kỳ điều gì.

Lợi dụng tâm linh để lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, phá vỡ mối quan hệ gia đình và xã hội. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những chiêu trò tinh vi này để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

LTS: Chuỗi các bài viết "Bi hài sập bẫy "giải hạn” online" như một "bức tranh" về các hành vi trục lợi dựa trên nỗi sợ hãi, ám ảnh và sự thiếu hiểu biết về tâm linh. Những đối tượng này không ngần ngại lợi dụng tâm lý bất an, lo lắng về vận mệnh, tương lai để giăng bẫy, "báo giá" dịch vụ một cách vô lý. Sự thiếu thông tin và kiến thức đúng đắn về tâm linh đã tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo tung hoành. Nỗi sợ hãi và ám ảnh, khi không được giải quyết bằng sự hiểu biết và lý trí, dễ dàng bị thao túng, dẫn đến những quyết định sai lầm, gây tổn thất về cả vật chất lẫn tinh thần. 

Bài học rút ra không chỉ dừng lại ở việc cảnh giác trước những lời quảng cáo hoa mỹ, những lời hứa hẹn "giải hạn" nhanh chóng, mà còn là sự cần thiết phải xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc về tâm linh, dựa trên sự tìm hiểu, nghiên cứu có căn cứ. Bên cạnh đó, học cách phân biệt giữa tín ngưỡng chân chính và mê tín dị đoan, giữa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và những chiêu trò lừa đảo trá hình. Đồng thời, cần tăng cường chia sẻ thông tin, lan tỏa kiến thức đúng đắn để nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp mọi người tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy tâm linh, hướng đến một đời sống tinh thần lành mạnh và tích cực.

Tin nổi bật