Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi hài sập bẫy online "bóng hồng giải hạn": Mất ăn mất ngủ sau khi nghe kết quả "lá số tử vi"

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Những lời hứa hẹn "giải hạn" ngọt ngào trên mạng xã hội đã khiến nhiều người sập bẫy, mất tiền oan và rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng.

Xem bói online - Sự thật về những lời "tiên tri"

Nhập từ khóa “xem bói online”, “giải hạn online” trên nền tảng facebook cho ra hàng loạt fanpage, facebook quảng cáo về các dịch vụ này. Có những trang thu hút hàng nghìn tài khoản theo dõi, điển hình như trang “XEM BOI ONLINE CHUAN” có tới 288.000 người và từng tồn tại tới 9 năm; trang “Xem Bói Chỉ Tay - Đạo Mẫu - Căn Số", với 356.000 lượt người theo dõi; “Hội Review Coi Bói” cũng thu hút tới 137.000 người với mục tiêu “giới thiệu danh sách các địa chỉ coi bói xác nhận là đáng đồng tiền cho bà con”... Nhiều facebook còn công khai chạy quảng cáo các dịch vụ. Điển hình như trang “Tarot Huyền - Chỉ tay xem tướng” với nhiều bài video, livestream giới thiệu dịch vụ.

Là hoạt động tâm linh, tuy nhiên “thầy bói” đưa ra các mức giá khá rõ ràng với các nhu cầu xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số, vận hạn... Thậm chí còn có cả... “combo”. Tuy nhiên, thực tế có không ít câu chuyện bi hài về dịch vụ xem bói online đã xảy ra.

Xem bói online - Sự thật về những lời "tiên tri". Ảnh minh họa.

Theo báo Dân tộc và Phát triển, qua một năm làm việc vất vả, gia đình lại gặp nhiều chuyện không vui. Chị Hiền ở quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội được một người bạn giới thiệu thầy Mạnh, thầy này nổi tiếng trong Group "Tử vi tướng số", chị Hiền nhắn tin cho thầy đề nghị xem giúp một quẻ. Chị Hiền là chủ doanh nghiệp vừa bị điêu đứng sau đại dịch COVID-19. Mấy năm nay làm ăn không gặp may mắn nên chị muốn hỏi thầy xem trong năm tới tình hình công ty và gia đình chị như nào.

Chị Hiền cho biết, nghe chị xưng là chủ doanh nghiệp, thầy Mạnh lập tức trả lời tin nhắn ngay. Chưa vội trả lời thắc mắc của chị mà thầy đã quảng cáo: "Con nghe danh thầy rồi phải không? Thầy chính là truyền nhân của các đấng tối cao giáng trần. Rồi thầy dặn tôi chuyển 300.000 đồng tiền "lễ" vào tài khoản thầy sẽ xem cho". Tiếp đó, thầy bảo chị đọc họ tên, ngày tháng năm sinh, giờ sinh… để thầy lập lá số tử vi.

Khoảng năm phút sau, thầy đọc kết quả cho chị, trong đó thầy nhấn mạnh năm tới công ty sẽ bị một "thế lực hắc ám" làm cho điêu đứng. Nếu muốn cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì để thầy làm lễ "giải hạn", chi phí tầm 5-8 triệu đồng. Chị Hiền hẹn với thầy Mạnh hôm sau sẽ chuyển khoản, thầy còn dặn với theo: "Nếu chưa có đủ thì chuyển thầy trước 1 triệu cũng được. Thầy biện tạm lễ ra mắt đã, lễ chính khi nào có thì làm sau". Từ hôm nghe thầy phán, chị cũng thấy lo lắng. Biết chuyện, chồng chị mắng cho một trận và dẹp luôn.

"Thầy bói online": Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Thời gian gần đây việc xem bói, gieo quẻ online ngày một trở nên thịnh hành. Chỉ cần nhắn một số thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, tên tuổi, quê quán… vào tài khoản của các "cô đồng", "cậu đồng" là người xem có thể nhận về các câu trả lời xung quanh vấn đề vận hạn, sự nghiệp, tình duyên... Mô-típ tin nhắn trả lời cũng na ná nhau và luôn khơi dậy sự tò mò, hiếu kỳ hoặc đánh vào tâm lý sợ hãi của những người nhẹ dạ cả tin, đang gặp trắc trở trong cuộc sống...

Mục đích cuối cùng vẫn là dẫn dắt người xem chuyển tiền viết sớ, làm lễ giải hạn, mở cung tài lộc, cắt duyên âm hay mua vật phẩm tâm linh để gặp may mắn, xóa bỏ vận hạn.

Chia sẻ trên báo Dân trí, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trên thực tế bói toán qua mạng chỉ là trò lừa tâm lý, đưa ra những thông điệp và miêu tả chung chung. Muốn xem bình giải đầy đủ về mọi mặt từ tiền tài đến sức khỏe, công danh, vận hạn người dùng phải nạp tiền bằng cách thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế hoặc thẻ điện thoại.

"Thầy bói online": Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang. Ảnh minh họa.

Sau khi có được niềm tin, đối tượng lừa đảo thường sẽ bán các mặt hàng tâm linh như vòng tay, búp bê… để mang lại may mắn, hóa giải bệnh tật, không thì cũng sẽ nói những điều tai ương khiến người xem mất ăn, mất ngủ rồi phải tìm đến nhờ các "cô", "cậu" để làm lễ giải hạn, giải xui.

Theo Luật sư, bói toán, mê tín dị đoan là tệ nạn xã hội, cần phải loại bỏ. Điều 8 Luật An ninh mạng quy định: "Nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ, Khoản 7, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: "Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan thì bị phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng" thì các đối tượng hành nghề này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan, bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Cũng theo Luật sư, dân gian đã có câu "bói ra ma, quét nhà ra rác". Mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề này, không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang.

Người dân cần giữ cho mình thói quen cập nhật tin tức trên các kênh báo chính thống. Đồng thời tìm hiểu các quy định của pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Bởi, dù thế nào thì điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.

LTS: Chuỗi các bài viết "Bi hài sập bẫy “bóng hồng giải hạn” online" như một "bức tranh" về các hành vi trục lợi dựa trên nỗi sợ hãi, ám ảnh và sự thiếu hiểu biết về tâm linh. Những đối tượng này không ngần ngại lợi dụng tâm lý bất an, lo lắng về vận mệnh, tương lai để giăng bẫy, "báo giá" dịch vụ một cách vô lý. Sự thiếu thông tin và kiến thức đúng đắn về tâm linh đã tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Nỗi sợ hãi và ám ảnh, khi không được giải quyết bằng sự hiểu biết và lý trí, dễ dàng bị thao túng, dẫn đến những quyết định sai lầm, gây tổn thất về cả vật chất lẫn tinh thần.

Bài học rút ra không chỉ dừng lại ở việc cảnh giác trước những lời quảng cáo hoa mỹ, những lời hứa hẹn "giải hạn" nhanh chóng, mà còn là sự cần thiết phải xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc về tâm linh, dựa trên sự tìm hiểu, nghiên cứu có căn cứ. Bên cạnh đó, học cách phân biệt giữa tín ngưỡng chân chính và mê tín dị đoan, giữa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và những chiêu trò lừa đảo trá hình. Đồng thời, cần tăng cường chia sẻ thông tin, lan tỏa kiến thức đúng đắn để nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp mọi người tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy tâm linh, hướng đến một đời sống tinh thần lành mạnh và tích cực.

Tin nổi bật