Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi hài chuyện "trốn" Tết đi du lịch

(DS&PL) -

Tết là dịp để mọi người về với gốc rễ, gia đình. Thế nhưng, vài năm gần đây, xu hướng du lịch Tết nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình trẻ, hiện đại.

Tết là dịp để chúng ta quay về với gốc rễ, với cội nguồn, với quê hương, với ông bà cha mẹ. Thế nhưng, trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây, xu hướng du lịch Tết ở nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình trẻ, hiện đại.

Trốn Tết để xả hơi

Đã thành thông lệ, những năm gần đây, cứ đến dịp Tết Nguyên đán thì gia đình anh Nguyễn Quang Hà, nhân viên kinh doanh Công ty Dịch vụ Báo chí Truyền hình lại xách vali đi du lịch ở nước ngoài. Khi thì đi Trung Quốc, Thái Lan, Singapore nhưng năm nay, kinh tế khấm khá hơn chút nên anh muốn đưa chị và cháu đi du lịch ở Nhật Bản để thay đổi không khí. Anh quan niệm: "Cả một năm cứ vùi đầu trong công việc, tiếp khách, không có thời gian đưa vợ và cháu đi chơi nên tôi muốn dịp Tết cả nhà sẽ đi du lịch nước ngoài để thư giãn, cũng là thay đổi không khí để lấy tinh thần làm việc trong năm tới".

Cũng như gia đình anh Hà, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chọn phương án đi du lịch ở nước ngoài trong thời gian nghỉ Tết. Theo chị Hạnh, công việc kinh doanh cả năm của gia đình quá bận rộn và mệt mỏi. Ông xã thì đi công trình suốt không có thời gian dành cho gia đình. Vì vậy, việc đi nghỉ Tết ở một nơi xa sẽ giúp các thành viên xả stress, gắn kết với nhau hơn.

Tết là thời gian gia đình được sum họp.

Không chỉ anh Hà, chị Hạnh mà rất nhiều gia đình cũng đồng quan điểm đó, họ cảm thấy mệt mỏi với việc ăn uống, bếp núc, khách khứa suốt những ngày Tết nên cũng lên kế hoạch để "trốn" Tết đi chơi xa.

Xu hướng đi du lịch ở nước ngoài vào dịp Tết trước đây xuất phát từ những gia đình có điều kiện, nay đã phổ biến đối với người dân đô thị, bởi tâm lý đón Tết cổ truyền đã dần thay đổi và giá tour du lịch không còn đắt đỏ như trước. Tìm hiểu qua các công ty du lịch cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng khách đặt các tour du lịch ở nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng khá cao.

Chị Lê Hương (Công ty TNHH TM và dịch vụ du lịch Mercare) cho biết: Số khách đặt tour du lịch ở nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện và tăng dần trong khoảng 4 năm trở lại đây vào dịp Tết Nguyên đán. Lượng khách đăng ký tour du lịch đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài năm nay cao hơn so với những năm trước, tăng khoảng 25% so với năm ngoái".

Xã hội ngày càng hiện đại mọi thứ đều theo xu hướng hội nhập, bởi vậy mà suy nghĩ của giới trẻ, gia đình trẻ cũng khác đi rất nhiều. Họ quan niệm đi du lịch ở nước ngoài là để xả stress, để tiêu tiền, để thỏa mãn sở thích cá nhân.

Đa phần những người đăng ký tour là có điều kiện, thời gian, tiền bạc. Giá của một tour du lịch Tết 7 ngày 6 đêm sang Singapore, Thái Lan trung bình tầm trên 15 triệu đồng; du lịch trong nước Nha Trang, Đà Lạt trong 4 ngày tầm 10 triệu đồng. Vì thế, không ít gia đình có tâm lý muốn cố thêm vài triệu để được du lịch nước ngoài vừa mới vừa lạ.

Bản sắc dần biến mất?

Trước trào lưu mới, có những luồng ý kiến lo lắng người dân sẽ dần quên mất những ý nghĩa thiêng liêng sâu xa, những giá trị tinh thần của ngày Tết gói lại trong chữ Lễ ngày xưa. Nếu trào lưu này tiếp tục nở rộ thì những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt sẽ dần mất đi bởi họ quan niệm Tết là để sum họp, là để quay về với ông bà, tổ tiên, nguồn cội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Hoan (quê Thái Bình) chia sẻ trong niềm xúc động: "Nhà có mỗi đứa con trai, nó lập nghiệp ở Hà Nội, chúng nó có một cháu trai. Tết nào tôi với bà nhà cũng mong nó về cho vui vẻ, cho có không khí gia đình. Nhưng mấy năm gần đây, nó toàn bảo là không về quê ăn tết được vì phải đưa cháu đi chơi, đi du lịch thư giãn, khi thì đi Nhật Bản, Hồng Kông, khi thì đi Singapore. Chúng tôi thì già cả rồi, Tết nhất chẳng mong gì hơn, chỉ mong con cháu nó về rồi sum họp.

Mỗi khi năm hết Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cũng mong được "về quê ăn Tết", để được sum họp dưới mái ấm gia đình, được nhìn lại ngôi nhà nơi mình được sinh ra, nhìn lại nơi tuổi thơ của mình đã đi qua với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương, được khấn vái, được thắp nén hương thơm trước ngôi mộ tổ tiên và của những người thân đã khuất, được gặp bạn bè thời thơ ấu, được chúc phúc nhau... Bởi vậy mà có người cho rằng du lịch trong dịp Tết thật là uổng phí.

Nhiều gia đình trẻ lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết cổ truyền.

Chị Hoàng Thị Trang (quê Bắc Giang) cho biết: "Theo em, cả năm có tận 365 ngày. Thiếu gì thời điểm để chúng ta sắp xếp lịch đi chơi cho cả gia đình một cách chu đáo chứ đâu phải nhất quyết vào những ngày Tết. Chẳng biết mọi người nghĩ có phóng khoáng quá chăng, nhưng với em và cả nhà em, Tết là những ngày đoàn viên, phải quây quần bên gia đình, họ hàng chứ không bao giờ đi du lịch".

Chị Trần Phương (quê Nghệ An) cũng đồng quan điểm: "Những người tỉnh lẻ như tôi chỉ mong đến Tết để về quê thăm bố mẹ, tổ tiên. Tôi thấy những gia đình theo trào lưu mới này là bất hiếu. Đi du lịch thì có thể đi bất cứ lúc nào nhưng Tết chỉ có một, Tết là Tết đoàn viên cơ mà".

Tết đến ai cũng vất vả để phục vụ gia đình, nhưng bù lại, chúng ta sẽ được rất nhiều. Cảm giác đầm ấm bên gia đình, niềm vui sum họp của những người thân trong gia đình mới mãi lưu lại trong tâm trí chúng ta. Chỉ cần chính bản thân chúng ta tạo ra cái cảm giác được hưởng sự hạnh phúc đầm ấm khi vui vầy bên gia đình mỗi độ Tết đến, Xuân về thì ý nghĩ đi du lịch ngày Tết sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Và đó cũng là cách để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đừng để ích kỷ đánh mất hạnh phúc ngày tết đoàn viên

Theo chia sẻ của PGS TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, không phải ngẫu nhiên Tết của người Việt được gọi làtết sum họp, tết đoàn viên.

Bởi Tết không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm dài vật lộn với gánh nặng mưu sinh mà còn là giây phút tìm về nơi bình yên và quây quần bên cạnh người thân. Người xa quê vẫn thường nhớ tới hình ảnh gia đình cùng hì hục gói bánh tét, bánh chưng thân thuộc; cái nồi khổng lồ và cả sào treo bánh mới; giọt mồ hôi của mẹ; dáng chạy lăng xăng của cu Tý, cái Tèo; cảnh anh Năm, chị Tư tất bật chuẩn bị đưa ông Táo về trời...

Trong không khí nhộn nhịp ấy, cả gia đình luôn tíu tít chuyện trò cùng nhau. Nhịp sống hiện đại cho con người nhiều thứ, từ cuộc sống đủ đầy đến những chuyến du lịch xa nhưng cũng lấy đi không ít điều giá trị. Một trong những thứ bị đánh cắp ấy chính là cơ hội bên cạnh gia đình. Ai cũng có quyền lựa chọn nên ở hay nên về trong dịp Tết.

Việc coi Tết như một nghĩa vụ và đưa ra lời bào chữa rằng bản thân đã có nhiều dịp thăm viếng chuyện trò trong năm, việc thu xếp du lịch đã sắp xếp từ trước... là không thỏa lòng người. Họa chăng đây chỉ vì sự ích kỷ của bản thân mỗi người.

Có thể bạn háo hức mong tận hưởng thời khắc Giao thừa và trải nghiệm không khí đón Tết ở một đất nước khác. Bạn cũng thấy vui sướng khi ngắm nhìn những con phố sầm uất hoa lệ, những trung tâm thương mại rực rỡ ánh đèn tại xứ lạ. Thế nhưng, tất cả sẽ nhanh chóng trôi qua và nhường chỗ cho cảm giác cô đơn khi lạc lõng, chẳng đủ đầy niềm vui ngày Tết nơi đất khách quê người. Sự cô đơn ấy chẳng thể sánh bằng cảm giác trống trải của những người thân đang mong chờ bạn đoàn viên ngày Tết. Chẳng niềm vui nào bằng niềm vui sum vầy, đặc biệt là khi con người dày thêm số tuổi, rộng hơn sự tự lập.

Trải qua gần 12 tháng ròng rã, 52 tuần dài đằng đẵng của một năm, cứ đến tháng 12 âm lịch là cha mẹ lại đứng ngồi không yên. Ông bà thấp thỏm: “Không biết thằng bé Điệp hay con bé Lan về mùng mấy”. Đến tận sáng Giao thừa, ông bà vẫn còn thắc mắc sự vắng mặt của gia đình cậu Thành, dù cậu út đã báo bận vì vướng chuyến du lịch xuyên Tết. Trí nhớ phôi pha, nỗi niềm mong chờ thì vẫn đong đầy.

Một khi cha mẹ, ông bà qua đời, hẳn những người anh, người chị sẽ thay họ nhắc nhở cậu út phương xa, Tết này nhớ về tảo mộ, cúng Giao thừa. Niềm hạnh phúc của Tết là niềm vui sum vầy, gần gũi trong không khí tụ họp cả gia đình, sẻ chia tâm sự và ngồi gắn kết những câu chuyện đời, chuyện người.

Buồn vui cả năm cũng cho qua hết, sự giận hờn trong lòng cũng tan biến theo tiếng cười giòn giã cùng người thân suốt 3 ngày Tết. “Lâu lắm rồi mình không mừng tuổi ông bà, liệu sức khỏe ông bà có còn dồi dào không ba? Mình còn được mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa vậy ba?”. Câu hỏi ngây thơ của cô bé trong một đoạn clip khiến tôi suy ngẫm. Nếu tiếng lòng vẫn còn băn khoăn, trái tim vẫn nhắc gọi và ý thức sâu sắc rằng đoàn viên là điều thiêng liêng thì Tết này nên trở về nhà.

Bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản; cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt, tiếng cười của người thân; ôm mẹ ôm cha thêm một lần; thắp nén nhang tưởng nhớ và nhắc chuyện ông bà.

Công Côn

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

Tin nổi bật