Đã nhiều năm trôi qua, chuyện về "đại gia bán bún" Sài Thành để lại tài sản thừa kế 1000 tỷ đồng cho con gái nuôi từng gây chấn động dư luận một thời thi thoảng lại được nhắc lại trên mạng xã hội.
Bà Thạch Kim Phát, hay còn được biết đến với cái tên khác là Năm Lũng, được mệnh danh là "đại gia ngầm" nức tiếng bậc nhất Sài Thành nhờ vào nghề bán bún. Sinh ra trong một gia đình đông con, bà sớm theo nghề truyền thống của gia đình, thuở nhỏ bà đã theo cha mẹ bỏ mối bún, nui khô dọc từ miền Trung cho tới TP.HCM.
Sau này, bà tự thân lập nghiệp, mở ra thương hiệu làm bún gia truyền Phúc Kiến. Việc kinh doanh của bà thuận lợi, bún Phúc Kiến nổi tiếng khắp TP.HCM lúc bấy giờ, nhanh chóng lan rộng ra khắp từ Bắc chí Nam.
"Đại gia bán bún" Sài Thành Năm Lũng cùng gia đình.
Thông tin trên tờ Tri thức & Cuộc sống, sau khi tích góp được chút vốn liếng, bà Năm Lũng lấn sân sang cả bất động sản vào cuối những năm 80. Bà mua các lô đất rộng hàng chục nghìn mét vuông nhưng không bán ra mà để xây phòng trọ, nhà xưởng cho thuê. Khi đất có giá, người người đổ về TP.HCM làm ăn, nghề buôn bất động sản của bà liền phất lên như “diều gặp gió”.
Nhiều người tấm tắc, ngả mũ kính phục người phụ nữ có đầu óc kinh doanh, tích lũy và có chiến lược bài bản để trở thành đại gia nghìn tỷ. Những người từng biết đến bà cũng kể rằng bà chủ vựa bún này có cốt cách đàn ông, ý chí mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc dứt khoát.
Giàu có là vậy nhưng khi nhắc lại bà Năm Lũng, người ta chỉ nhớ đến hình ảnh một người phụ nữ giản dị, đi đôi dép nhựa sờn, chạy chiếc xe Dream lùn cũ và mặc bộ quần áo phai màu. Bà làm việc chăm chỉ, lúc nào cũng làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối khuya, chẳng khi nào người ta thấy bà nghỉ ngơi hay đi du lịch.
Nếu như người thường làm được 8 đồng tiêu 3 để dành 5 thì với bà Phát, nếu kiếm được 8 đồng, bà sẽ mượn thêm 2 đồng nữa cho chẵn một chục đồng, chấp nhận ăn mắm ăn muối, sống kham khổ để tích lũy tài sản.
Giàu có, thành công nhưng nữ đại gia là người phụ nữ đơn thân. Bà không nghĩ đến việc lập gia đình hay gần gũi với người khác phái. Năm 1987, bà muốn có một người con nuôi để vui cửa vui nhà và sẽ giúp bà trong việc kinh doanh sau này.
Nhớ lời mẹ dặn “con không lấy chồng, nếu có nhận con nuôi thì hãy nhận đứa trẻ nào có cùng ngày tháng sinh với mẹ để việc kinh doanh ngày càng thuận lợi”, bà Phát đã vào bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) để nhận con nuôi. Trước khi đi bà khăng khăng sẽ nhận một bé trai để về nuôi dưỡng.
Sau khi đi vòng xem các cháu bé trong bệnh viện, bà Phát vẫn không ưng ý. Bà quyết định đi xem một vòng rồi nhìn thấy chị Lan mỉm cười với mình thì quyết định nhận đứa trẻ làm con nuôi khi mới sinh được 2 ngày tuổi.
Hình ảnh hiếm hoi của con gái nuôi thừa kế gia sản 1000 tỷ của "đại gia bán bún".
Khi làm thủ tục nhận con nuôi, bà Phát mới ngỡ rằng ngày tháng sinh của chị Lan trùng với mẹ của mình (26/6). Ông H - người từng làm việc nhiều năm cho bà Phát cho biết, từ ngày nhận chị Lan là con nuôi, việc kinh doanh của bà phát triển hơn rất nhiều.
Nữ đại gia nhận đứa bé này rồi đưa về nhà nuôi nấng, chăm sóc. Nhưng mãi đến năm 2007, chị Lan mới được nhận là con nuôi hợp pháp trên giấy tờ.
Bà Phát chăm sóc chị Lan hơn con đẻ. Hằng ngày dù bận việc đến mấy, bà vẫn chạy chiếc xe máy hoặc xe ô tô đưa đón con đi học.
Học hết lớp 11, bà Phát cho chị Lan đi du học tại Đức, chuyên ngành luật để khi ra trường sẽ hỗ trợ bà trong việc kinh doanh. Mặc dù hai mẹ con cách xa nhau gần nửa vòng trái đất nhưng cứ rảnh là hai mẹ con lại tâm sự với nhau qua điện thoại.
Tháng 3/2011, khi Huệ Lan đang theo học ở Đức thì nhận được tin mẹ nuôi qua đời, cô tức tốc bay về Việt Nam chịu tang. Sau đám tang, cô và người thân trong gia đình mới biết mẹ nuôi để lại số tài sản trị giá hơn 1000 tỷ đồng.
Hình ảnh một phần tài sản của "đại gia bán bún" để lại cho con gái nuôi tên Huệ Lan.
Do bà Phát qua đời bất ngờ không để lại di chúc nên số tài sản này thuộc về Huệ Lan theo quy định của pháp luật. Sau khi nắm giữ khối tài sản kếch xù thì những rắc rối kèm theo bắt đầu đến với cô gái. Người thân bà Phát không đồng ý vì cho rằng họ cũng có một phần công sức trong việc tạo ra số tài sản nói trên khiến hai bên phát sinh tranh chấp.
Tờ Kiến thức Đầu tư thông tin, ở thời điểm đó, do việc tranh chấp tài sản với người thân bà Phát chưa xong nên Huệ Lan ít tiếp xúc với người ngoài, thuê vệ sĩ bảo vệ.
Theo một số người từng tiếp xúc với Huệ Lan thì đây là cô gái dáng người nhỏ nhắn, cá tính, rất thông minh, nhạy bén và đặc biệt là nói được 4 thứ tiếng gồm Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Đến năm 2014, tức 3 năm sau ngày bà Phát mất, những vụ kiện tụng được hoãn hoặc đình chỉ, mọi chuyện dần lắng xuống.
Sau hơn chục năm, hiện không ai rõ người thừa kế gia sản 1000 tỷ đang ở đâu. Có thông tin sau khi lo ma chay cho mẹ nuôi, chị Huệ Lan đã đem theo phần tiền còn lại ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên điều này chưa được xác thực.