Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn lăng mộ cổ trên thửa đất triệu đô

(DS&PL) -

Khu lăng mộ có mặt tiền vài chục mét trên mảnh đất “vàng” giá trị cả triệu đô trên đường Phạm Văn Đồng đã từng xảy ra nhiều câu chuyện khá kỳ bí...

Giữa Thủ đô náo nhiệt, ít ai biết đến có một lăng mộ cổ trên mảnh đất “vàng” giá trị cả triệu đô. Điều đặc biệt, khu lăng mộ có mặt tiền vài chục mét trên đường Phạm Văn Đồng đã từng xảy ra nhiều câu chuyện khá kỳ bí...

Mộ tổ đời thứ tư dòng họ Nguyễn Khả được an táng vào những năm niên hiệu Gia Thái 1573 - 1577 triều Lê Thế Tông.

Lăng mộ cổ trên 500 tuổi

Nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), đoạn từ số 22 tới ngã ba rẽ sang đường Trần Quốc Hoàn, sau hàng cây xà cừ, những tán lá cọ, hàng cau và tường rào, ít ai biết rằng khu đất được bao bọc bởi tường rào dài tới hơn 30m mặt đường lại là khu lăng mộ cổ của làng Mai Dịch (nay thuộc 2 phường: Dịch Vọng Hậu và Mai Dịch của quận Cầu Giấy). Rất nhiều người thường xuyên qua lại, thậm chí là sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng lầm tưởng đây là khu đền, miếu nào đó.

Theo các cụ cao niên ở đây, khu lăng mộ nói trên thuộc dòng họ Nguyễn Khả - một trong những dòng họ đầu tiên khai lập nên làng Mai Dịch. Đây là dòng họ nổi tiếng nhất làng với nhiều người đỗ đạt, làm quan thời xưa. Khu lăng mộ có địa thế rất đẹp: Phía trước có dòng sông Nhuệ, có đài án, gò bút lớn, phía sau có ba gò to, hai bên phải trái có hai gò bút nhỏ, hình hai tán ngọc che lên…

Đây là nơi chôn cất mộ cụ tổ đời thứ tư dòng họ Nguyễn Khả. Mộ được an táng vào những năm niên hiệu Gia Thái 1573 - 1577 triều Lê Thế Tông. Sang thế kỷ 17, do công lao cháu nội của cụ đối với đất nước, nên năm 1645, vua Lê Chân Tông sắc chỉ ấn phong phúc tự Khanh Thái Bảo tước Vĩnh Khánh Từ, niên hiệu Vĩnh Thọ… Ngoài ra, còn có 4 ngôi khác bao gồm: Cụ tổ đời thứ tám, cụ tổ bà đời thứ năm (con dâu), đời thứ bảy, đời thứ tám dòng họ Nguyễn Khả.

Theo quan sát của chúng tôi, khu lăng mộ cổ này rộng khoảng 800m2, có tường rào chắc chắn, chính giữa có cổng sắt để vào. Phía bên trong, nền khu mộ khá thấp so với mặt đường, có 2 ngôi mộ lớn được xây theo kết cấu cổ xưa, còn lại các ngôi mộ khác nhỏ hơn, kiểu dáng cũng khác. Ở chính giữa là ngôi mộ tổ đời thứ tư xây theo hình lục giác. Người dân ở đây cho biết, ngôi mộ được thời xưa xây bằng muối, mật. Bia mộ bằng đá còn nguyên vẹn, đọc rõ các chữ khắc lên. Hai bên bia mộ là lưỡng long chầu nguyệt, được khảm bằng mảnh gốm sứ.

Chuyện huyền bí chỉ là sự trùng hợp

Bà N.T.T bán hàng nước trước lăng mộ tổ dòng họ Nguyễn Khả đang quét dọn phía trước lăng mộ.

Sinh ra và lớn lên trong làng Dịch Vọng, sau này lại bán hàng nước chè trước khu lăng mộ từ năm 1998 tới nay, bà N.T.T (50 tuổi) là người hiểu rõ về khu lăng mộ. Bà T cho biết, trước đây khu mộ rộng tận nửa đường Phạm Văn Đồng, nhưng đến tháng 9/2000, dòng họ Nguyễn Khả đã tu bổ và giữ nguyên trạng đến tận bây giờ.

Theo bà T, bà đã chứng kiến nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh lăng mộ. Bản thân bà T cũng cho rằng, bà luôn gặp may mắn, buôn bán thuận lợi nhờ các cụ trong lăng mộ phù hộ. Bà vẫn quét dọn, bảo vệ khu lăng mộ mỗi ngày.

Bà T kể lại, vào năm 1988, khi khởi công xây dựng đường ống nước sinh hoạt, không biết có phải vì chạm vào “long mạch” hay không mà ngay sau đó ông tổ trưởng tổ thi công bỗng dưng bị chứng nhớ nhớ quên quên. Bà T. bảo, sau đó gia đình đã mang đồ lễ đến tạ lỗi, lúc đấy ông tổ trưởng mới lành bệnh.

Bà T cho biết thêm: “Cách đây gần 10 năm, khi đang bán nước, có một đôi vợ chồng trung niên nói là nhà ngoại cảm, muốn vào thắp hương cho các cụ. Sau khi làm lễ, người phụ nữ ấy còn nói chuyện với các cụ bằng... tiếng xưa. Sau cuộc “nói chuyện” đó, nhà ngoại cảm bảo, các cụ sẽ cho tôi 3 năm nữa làm được nhà. Vậy mà đúng 3 năm sau tôi nhận được tiền đền bù đất, vừa được nhà...”.

Những người dân nơi đây cho biết, cách đây vài năm, từng có một phụ nữ vào mắc võng ngủ trưa ở đây và chị liên tục bị bóng đè. Chị này kể rằng, đã nằm mơ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm phất trần cứ đánh vào người, rất đau. Tưởng cụ gọi dậy, hóa ra cụ đuổi. Nhiều người cho rằng, do người phụ nữ này không đàng hoàng, đang “cặp bồ” với người trong làng nên bị các cụ đuổi. Sau đó, người phụ nữ này không bao giờ dám tới gần khu lăng mộ nữa.

Theo nhiều người dân ở gần khu lăng mộ cổ của làng Mai Dịch, đã có một số công nhân, trước khi khởi công xây dựng công trình họ đều mang lễ đến đây thắp hương cho các cụ. Có trường hợp quán bia mở ở phía đối diện, dù thuê đất đàng hoàng, nhưng quán mở ồn ào, náo nhiệt, một thời gian sau bỗng dưng vắng khách, còn bị cơ quan chức năng không cho hoạt động nữa.

Đem những câu chuyện trên đây hỏi một cụ ông gốc người làng Mai Dịch, cụ nói cụ đã nghe nhiều người đồn thổi như vậy, nhưng theo cụ, các sự kiện chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên hoặc so “tâm lý” mà ra.

“Với việc bà T. làm được nhà thì trước đó đã có thông tin quy hoạch, nhiều người biết sẽ có tiền đền bù. Việc ông tổ trưởng “nhớ nhớ, quên quên” cũng không có gì khó hiểu. Bây giờ người ta “tín” lắm, làm gì mà không thắp hương, khấn khứa là thấy canh cánh trong lòng, thậm chí tự tạo cho mình một nỗi sợ mơ hồ. Trong tâm trạng ấy, lại nghe bà con kể hết chuyện này, chuyện kia về khu mộ, tâm thần không bấn loạn lên mới là lạ. Còn chuyện chị phụ nữ bị bóng đè, ai đời lại ngủ trưa gần mồ mả? Xét theo khía cạnh khoa học, mồ mả là nơi nhiều khí âm, ngủ ở đó mê man là chuyện đương nhiên...”, cụ ông này nói.

Trước khi chia tay, cụ còn bảo tôi, người ta tin vào chuyện không có thật để sống tốt hơn, điều đó cũng chẳng hại gì, còn hơn là có những thứ có thật, sờ sờ ngay trước mặt mà không thể tin được.

Câu nói của ông cụ làm tôi cứ suy nghĩ mãi!

Linh Chi (Theo Gia đình & Xã hội)

Tin nổi bật