“Cậu bé khóc” (The Crying Boy) là một bức chân dung được vẽ bởi họa sĩ Bruno Amadio. Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, bức tranh này đã được sao chép và bày bán tràn ngập khắp nơi trên thế giới, riêng tại Vương quốc Anh đã có thể bán được 50.000 bức. Lúc bấy giờ, đây là một trong những bức tranh được nhiều người Anh mua nhất. Vậy điều gì khiến tác phẩm này gây “sốt” tới vậy?
Các bức tranh “Cậu bé khóc” của họa sĩ Jac Bragolin
Lời nguyền hỏa hoạn
Câu chuyện bí ẩn về bức tranh “Cậu bé khóc” bắt đầu xuất hiện từ tháng 9/1985, khi tờ The Sun – trang tin tức nổi tiếng ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy bí ẩn lan rộng tại Anh. Điều đặc biệt là những nơi xảy ra hỏa hoạn đều có treo bức “Cậu bé khóc” ở trong nhà.
Theo lời kể của các lính cứu hoả cùng các nạn nhân, trong tất cả các vụ cháy, mọi vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh “Cậu bé khóc” vẫn còn nguyên vẹn.
Cô Dora Mann (Surrey, Anh) – một nhân chứng nổi tiếng, cho biết cô đã mua bức chân dung “Cậu bé khóc” về treo trong phòng tranh của mình. Tuy nhiên, 6 tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra. Thậm chí, cô và chị dâu cũng suýt thiệt mạng trong một vụ cháy đó. Tất cả mọi thứ đềuchỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh “cậu bé khóc”.
Sau khi hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra, những người sở hữu bức tranh đều hoang mang, lo sợ. Trước tình hình đó, hàng nghìn bản sao “Cậu bé khóc” bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục cứu hỏa. Mặc dù vậy, nhiều bản sao khác của bức tranh vẫn còn tồn tại và tin tức về các vụ cháy vẫn tiếp tục xuất hiện. Những câu chuyện liên quan đến “Cậu bé khóc” càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người cho rằng có một lời nguyền luôn đeo bám bức tranh đó.
Câu chuyện nhanh chóng gây xôn xao khắp nước Anh
Ai đã vẽ bức tranh?
Được biết, một họa sĩ người Ý có tên Jac Bragolin (với tên khác là Bruno Amadio hoặc Franchot Seville) là người vẽ khoảng gần 50 bức tranh một cậu bé đang khóc.
Vị họa sĩ đã dựa trên nguyên mẫu cậu bé Don Bonillo. Theo đó, trong một lần ngồi vẽ, ông tình cờ nhìn thấy một cậu bé ăn mặc rách rưới đang ngồi bệt trước cửa một quán rượu và không ngừng nức nở. Động lòng thương xót, Bruno Amadio đích thân đi xuống, đưa cậu bé lên phòng vẽ, cho ăn uống tử tế và sau đó vẽ chân dung của cậu.
Sau lần ấy, cậu bé tội nghiệp còn nhiều lần ghé thăm vị họa sĩ tốt bụng, nhưng bao giờ cũng vậy, đôi mắt cậu không ngừng ứa lệ và luôn câm lặng không thốt nên một lời nào.
Sau đó, một số linh mục trong vùng ghé thăm tư gia Bruno Amadio và bày tỏ nỗi lo lắng và kinh hãi. Họ nói với ông rằng tên của cậu bé là Don Bonillo. Chứng kiến cha mẹ bị thiêu sống trong vụ cháy nhà, cậu bé đã bỏ chạy và trốn biệt. Các linh mục khẩn khoản khuyên Bruno Amadio không nên chứa chấp, giúp đỡ cậu bé này vì kể từ sau thảm họa kinh hoàng của gia đình, hễ bất cứ nơi đâu cậu bé xuất hiện, các đám cháy bí ẩn bỗng tự động xảy ra.
Bất chấp những lời cảnh báo từ linh mục, Bruno Amadio vẫn tiếp tục thương yêu, đùm bọc cậu bé Don Bonillo.
Tưởng rằng cuộc sống sẽ êm đềm mãi thế cho đến một ngày trở về nhà sau một cuộc triển lãm, Bruno Amadio kinh hoàng khi nhận thấy cả căn nhà và phòng vẽ của mình đã bị thiêu rụi. Những người chung quanh đều nói rằng Bruno Amadio lâu nay đã nuôi ong tay áo và chỉ đích danh rằng không ai khác mà chính cậu bé Don Bonillo là thủ phạm. Quá tức giận, vị họa sĩ nổi tiếng buộc tội Don Bonillo. Nước mắt không ngừng tuôn rơi, cậu bé mồ côi bỏ đi và từ đó không ai nhìn thấy cậu nữa.
Đã có đáp án?
Sau nhiều vụ cháy xảy ra khắp nước Anh, "lời nguyền" liên quan tới bức tranh "Cậu bé khóc" lan rộng và khiến nhiều người phải rùng mình. Nhiều giả thiết được đặt ra để lý giải cho lời nguyền đeo bám bức chân dung này, nhưng đều càng làm tăng thêm màu sắc u ám của câu chuyện.
Sĩ quan trạm cứu hỏa Rotherham, Alan Wilkinson, người đã trực tiếp ghi lại 50 vụ cháy "Cậu bé khóc" từ năm 1973, cho rằng nguyên nhân cái chết là vì sự thờ ơ và bất cẩn của con người. Tuy nhiên, anh không có một lời giải thích nào cho bức tranh "Cậu bé khóc" và đó là điều mà cánh nhà báo và phóng viên nhảy vào điều tra.
Cuối cùng, Kelvin MacKenzie, biên tập viên tờ báo The Sun của Anh đã quyết định đi tìm lời giải cho lời nguyền bí ẩn về bức tranh "cậu bé khóc". Kelvin đã đem bức tranh tới một phòng thí nghiệm gần Watford, nơi chuyên nghiên cứu về chất cháy. Tại đây, ông đã thử đốt bức tranh và kết quả thật ngạc nhiên, chỉ có phần khung bị cháy sém còn bức tranh vẫn nguyên vẹn.
Thì ra, nguyên nhân khiến bức tranh "cậu bé khóc" không hề bị hư hỏng trong các vụ hỏa hoạn là do nó được vẽ trên chất liệu khó bắt lửa, đồng thời phủ một lớp vecni chống cháy. Tuy nhiên, lời giải thích này không được người dân nước Anh thời bấy giờ chấp nhận. Họ vẫn liên tục đồn đại và hoàn toàn tin rằng "cậu bé khóc" là bức tranh bị ma ám.