Bộ Y tế cho biết theo thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.006 ca mắc tay chân miệng, trong đó 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng có sự gia tăng.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Y tế La Gi (tỉnh Bình Thuận), sáng 8/8, bé gái 17 tháng tuổi ở phường Bình Tân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực La Gi với triệu chứng nổi bóng nước cẳng tay, mu bàn tay, cẳng chân; chẩn đoán viêm họng có phỏng nước do virus đường ruột với phát ban (bệnh tay chân miệng ngày 2) và viêm mũi họng cấp (cảm thường). Bệnh nhi được nhập Khoa nhiễm.
Đến 17h30 cùng ngày, bé thở nấc, co giật liên tục, co giật toàn thân, giật mình chới với, nổi hồng ban, bóng nước rải rác ở đùi, cẳng tay, chân 2 bên, sốt 38 độ C… được chuyển hồi sức cấp cứu. 19h30 cùng ngày, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc chẩn đoán bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở hồi sức không thành công, theo dõi bệnh tay chân miệng độ 4 ngày 2, động kinh. Kết luận nghi ngờ lâm sàng tử vong do bệnh tay chân miệng.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng ngày càng cao, nhiều phụ huynh tự đưa con đi khám và sử dụng một số loại thuốc trong đó có Acyclovir (thuốc chủ yếu để điều trị bệnh zona cấp tính), kèm theo một số thực phẩm chức năng như kẽm, vitamin tăng đề kháng...
Tuy nhiên, theo BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, việc một số sơ sở y tế có thể lạm dụng kháng sinh, hoặc những xét nghiệm không cần thiết (như xét nghiệm chủng virus), bán thực phẩm chức năng đi kèm đơn thuốc... Điều này khiến phụ huynh tốn kém.
Bác sĩ Khanh phân tích, thông thường trẻ mắc tay chân miệng chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm ở miệng.
“Với trẻ mắc tay chân miệng từ độ 2A trở lên, cha mẹ nên đưa trẻ khám ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để được thăm khám và điều trị, theo dõi. Phụ huynh không nên vì quá lo lắng mà đưa con thăm khám ở nhiều nơi mà có thể đi theo tuyến huyện, tỉnh tùy theo mức độ. Tùy theo mức độ của trẻ, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể”, BS Khanh cho hay.
Ngoài ra, BS Khanh cho biết thêm, thực tế phần lớn trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể tự chăm sóc trẻ ở nhà và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những trẻ này, chỉ cần chăm sóc đúng cách trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày.
Hơn 49.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó 16 trường hợp tử vong
Cách phòng tránh tay chân miệng
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Bệnh tay chân miệng có khả năng bùng phát mạnh nhất và giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nóng ẩm và tại các khu vực đông đúc như trường học, nhà trẻ,… Bệnh hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa.
Do đó, bố mẹ cần chủ động phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của bệnh:
- Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý rửa tay kỹ sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Thường xuyên dọn dẹp, khử trùng môi trường sống và đồ chơi của trẻ.
- Tránh tiếp xúc thân mật (ôm, hôn,…) hoặc dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh.
- Khi trẻ bệnh, bố mẹ nên cho trẻ cách ly tại nhà và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác.
- Dùng tay hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi hắt hơi, ho, sau đó vứt giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.
- Theo dõi các triệu chứng và tình trạng bệnh của trẻ, từ đó có phản ứng kịp thời khi trẻ có biểu hiện bất thường.
Mộc Trà