Việc hồi phục sau mắc COVID-19 có thể là quá trình lâu dài và khó khăn đối với nhiều người. Kiểm soát mức độ miễn dịch của cơ thể thông qua chế độ ăn uống được chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị là cần thiết, giúp tránh các biến chứng sức khỏe khác.
Thêm vào đó, việc sử dụng steroid để chữa COVID-19 có thể dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến trong vài tháng. Điều này cần được quản lý bằng chế độ ăn uống cũng như sự tư vấn y tế từ phía các chuyên gia.
“Dù không thể thay thế thuốc chữa bệnh, bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường là phải thiết kế lại chế độ ăn của họ trong quá trình hồi phục sau khi mắc COVID-19”, chuyên gia dinh dưỡng và giáo dục bệnh tiểu đường Sujata Sharma cho hay.
Được biết, Sujata Sharma là nhà giáo dục về bệnh tiểu đường đã đạt được chứng nhận từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF - International Diabetes Federation). Cô còn có bằng thạc sĩ ngành Thực phẩm và Dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường nhanh chóng hồi phục và tránh được các bệnh lây nhiễm khác. Ảnh minh họa: Pixabay
Dưới đây là gợi ý về chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường đang trong quá trình hồi phục sau mắc COVID-19 được đăng trên tờ The Indian Express:
Bữa ăn sáng
Bữa sáng luôn là phần thiết yếu trong chế độ ăn của mỗi người. Chúng ta nên ăn sáng trong vòng 2 tiếng sau khi thức dậy, vào lúc 8h – 9h. Việc này đem lại nguồn năng lượng tươi mới giúp phục hồi cơ thể bằng cách khôi phục mức độ glucose và giảm căng thẳng. Vì thế, chúng ta cần lựa chọn các thành phần, món ăn một cách tỉ mỉ.
Bệnh nhân tiểu đường đang hồi phục sau COVID-19 nên lựa chọn các bữa sáng sau: Một bát yến mạch với sữa tách kem, có thể thêm quả mọng và các loại hạt; Hai miếng dosa nhiều hạt (bánh xèo lên men làm từ bột gạo và đậu mười) và một bát hạt diêm mạch; Đậu lăng luộc với rau và trứng tráng hai lòng trắng. Hãy kết hợp bất cứ món nào trong số đó với sữa lên men có thể hoàn thành bữa sáng.
Bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng
Trong khoảng thời gian từ bữa sáng đến bữa trưa, người bệnh nên ăn một số bữa ăn nhe bổ dưỡng (vào khoảng 11h30). Bệnh nhân nên ăn khoảng 100g trái cây như táo, ổi, lê, dâu tây, đu đủ,dưa hấu hoặc các loại hạt vào bữa ăn nhẹ này.
Bữa trưa
Bữa trưa (từ 13h20 – 14h30) bổ dưỡng và lý tưởng nên gồm một đĩa salad, một bát rau xanh hoặc thịt gà tự làm, sữa đông ít chất béo hoặc cucumber raita (tạm dịch: Sữa chua dưa leo Ấn Độ) và bánh mì chapatti nhiều hạt hay một bát gạo lứt.
Bữa ăn nhẹ trước buổi tối
Vào thời điểm từ 16h30 – 17h30, cơ thể cần khôi phục lại năng lượng. Đồ ăn nhẹ trước bữa tối có thể gồm trà không đường, sữa tách bơ, một ít hạt khiếm thực, đậu lăng nướng, 100 g trái cây, súp gà, bánh quy nhiều hạt hoặc sữa chua với quả mọng.
Bữa tối
Bữa tối nên được ăn trong khoảng thời gian từ 19h30 – 20h30. Một bữa tối lý tưởng với người mắc bệnh tiểu đường sau hồi phục COVID-19 nên gồm một đĩa salad, một bát rau xanh/ nước sốt phô mai Ấn Độ/ nước sốt gà, cá tự chế biến, kèm theo đó là 50-100 g sữa đông và một bát yến mạch thực vật hoặc 1-2 lát bánh mì chapatti nhiều hạt.
Bữa ăn nhẹ sau bữa tối
Nếu cảm thấy đói, người bệnh có thể uống một ly sữa tách bơ. Đây là bữa ăn nhẹ lý tưởng sau bữa tối.
Tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn như trên, kết hợp với việc điều trị và tập luyện thể dục sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro sức khỏe khác nhau cho bệnh nhân tiểu đường đang hồi phục sau mắc COVID-19.
Đinh Kim (Theo The Indian Express)