Theo báo Lạng Sơn, khoảng 0 giờ 10 phút ngày 26/5, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, đau nhiều ở vùng hạ vị, hai bên thắt lưng, nôn khan và phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi.
Cụ thể, 3 bệnh nhân gồm: N.V.C (35 tuổi) ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, N.N.K (38 tuổi) và P.N.H (42 tuổi) cùng trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, các bệnh nhân đã cùng ăn một loại côn trùng không rõ tên. Sau khi ăn, 3 bệnh nhân đều xuất hiện các dấu hiệu trên và được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, cùng với nhận dạng con côn trùng người nhà bệnh nhân mang đến, các bác sĩ chẩn đoán 3 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn sâu Ban Miêu, dẫn tới suy đa tạng. Ngay lập tức các bệnh nhân được các bác sĩ xử trí theo phác đồ ngộ độc của Bộ Y tế.
Do tình hình nguy kịch, BVĐK tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng chuyển 3 bệnh nhân đến Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị, được biết có 2 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, phải lọc máu cấp cứu.
Sâu ban miêu chứa chất kịch độc có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Ảnh Sức khỏe & Đời sống
Báo Phụ Nữ TP. HCM thông tin, các bác sĩ cho biết, sâu Ban Miêu có tên khoa học là Cantharis Vesicatoria còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Thực chất đây là một loại bọ cánh cứng, có màu đen, thân hình nhỏ, chiều dài khoảng 1,5 - 3cm, chiều ngang khoảng 0,4 - 0,6cm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Ngộ độc Sâu Ban Miêu tuy gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao. Độc tố của Sâu Ban Miêu là Cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu… Hiện nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, hầu hết các trường hợp ngộ độc Sâu Ban Miêu đều dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo: Côn trùng có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc. Trên thực tế, có rất ít loài côn trùng được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Do vậy, để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ như nhộng tằm), thì người dân tuyệt đối không được sử dụng các loại côn trùng, sâu bọ làm thực phẩm hoặc làm thuốc để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Tuyết Mai (T/h)