VTC News đưa tin, tối 19/4, ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn côn trùng làm 1 người tử vong, 2 người phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, 3 nạn nhân là ông Đinh Văn Gré (SN 1963), anh Mai Văn Mói (SN 1983) và bà Phạm Thị Dép (SN 1976), cùng trú thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Cả 3 người này đang khai thác bạch đàn thuê tại xã Đăk Sông, huyện Kông Chro.
Ba người thương vong do ăn côn trùng lạ. Ảnh: VTC News
Theo thông tin ban đầu, vào chiều 18/4, ông Đinh Văn Gré bắt nhiều con côn trùng có thân màu đen, đầu màu đỏ rồi chiên để ăn cơm cùng bà Dép, ông Mói.
Đến tối cùng ngày, cả ba người bị đau bụng, buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy. Tuy nhiên, cả ba người không đi khám bệnh. Đến rạng sáng 19/4, sau khi ông Gré tử vong, hai nạn nhân còn lại đã được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro.
Nghi vấn vụ ngộ độc trên là do ăn phải loại côn trùng ban miêu, mình đen đầu đỏ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức lấy mẫu thức ăn gửi giám định để xác định loại côn trùng và độc tố gây ngộ độc cho các nạn nhân.
Ông Võ Nguyên Nam cho biết, sau vụ việc xảy ra, chính quyền, nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ để đưa nạn nhân về quê. Ngành y tế đang tích cực để chữa trị cho nạn nhân đang điều trị.
Báo Người Lao Động cho biết, theo Cục an toàn thực phẩm, tại Việt Nam, việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn, thậm chí được chế biến thành những món đặc sản như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên… khá phổ biến.
Tuy nhiên, việc ăn các loại côn trùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn côn trùng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Triệu chứng ngộ độc nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng). Dấu hiệu ngộ độc thường là buồn nôn, nôn, run tay chân một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).
Vì thế, để phòng ngừa, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, với những món ăn "độc lạ" cần cẩn trọng, không nghe kinh nghiệm "đồn thổi" để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn này. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mộc Miên (T/h)