CNN đã gọi việc Nga quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một sự ứng nghiệm đầy nghiệt ngã trong những dự đoán của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ nhiều tuần qua.
Vào tối 23/2 (giờ địa phương), các trợ lý an ninh quốc gia Mỹ đã tụ tập ở Cánh Tây chuẩn bị cho những gì các quan chức Mỹ cảnh báo là một cuộc "động binh" vào Ukraine khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trên truyền hình Nga vào khoảng 21h45 tại Mỹ, tức rạng sáng 25/2 tại Nga.
Bài phát biểu của ông chủ Điện Kremlin đã khiến cả thế giới bất ngờ.
Tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas Greenfield đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Biden ngay trước khi bà phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an. Ông chủ Nhà Trắng đã yêu cầu bà ấy "chuyền tải bằng những cách thức mạnh mẽ nhất có thể - và sự ủng hộ kiên định đối với Ukraine".
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward (trái) và Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield (phải) tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine tại thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Reuters
Bài phát biểu của bà không phản ánh diễn biến lớn mà ông Putin đã chính thức tuyên bố. Các bức ảnh cho thấy vào thời điểm này bà đang nhắn tin với đại diện Ukraine, nói rằng bà ước gì bà biết về tin tức trước khi kết thúc bài phát biểu của mình.
Trong khi đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã thực hiện một cuộc điện đàm an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Vào lúc 22h (giờ Mỹ), hoạt động ở Cánh Tây đã tạm dừng trong một thời gian ngắn khi các video phát trực tiếp của hãng tin CNN báo cáo về các vụ nổ ở Kyiv và Kharkiv (Ukraine). Các phóng viên khi ấy đã vội vàng mặc đồ bảo hộ và mũ bảo hiểm.
Tại văn phòng, ông Jake Sullivan và các trợ lý khác đã làm việc để soạn thảo tuyên bố ban đầu của Tổng thống Biden, lên án các hành động của Nga là "vô cớ và phi lý" và cam kết "thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm." Tuyên bố của ông Biden được đưa ra lúc 20h25.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield trò chuyện với Đại sứ Ukraina tại LHQ Sergiy Kyslytsya qua điện thoại. Ảnh: Reuters
Khoảng 1 giờ sau đó, Tổng thống Ukraina Volodomyr Zelensky đã gửi yêu cầu trao đổi với Tổng thống Joe Biden. Tới rạng sáng 24/2, các quan chức đã ghi chú về những mối quan tâm của ông Zelensky, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp và huy động quân dự bị. Các quan chức tin rằng đây là lần đầu tiên ông công khai bày tỏ về những lo ngại mà họ đã thảo luận riêng trong nhiều tuần.
Trong điện đàm kéo dài khoảng 10 phút, ông Zelensky đề nghị ông Biden "kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng và đứng về phía người dân Ukraine".
Lúc tổng thống Mỹ điện đàm với người đồng cấp Ukraine, các trợ lý của ông cũng đang phải liên lạc tới châu Âu khi họ chuẩn bị công bố "quy mô đầy đủ" của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, có thể bao gồm kiểm soát xuất khẩu, hạn chế các ngân hàng lớn và các lệnh cấm đối với các thành viên nội các của ông Putin.
Ông chủ Nhà Trắng đã bắt đầu ngày 24/2 với các cuộc họp giao ban bổ sung trước khi tham dự một phiên họp trực tuyến của G7. Tại phiên họp, các biện pháp trừng phạt sẽ được thảo luận giữa các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
Không rõ tình hình căng thẳng sẽ kéo dài tới khi nào nhưng theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesko, Tổng thống Putin sẽ là người quyết định thời điểm ngừng chiến với Ukraine sau khi đánh giá "kết quả và hiệu quả" chiến dịch. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này không nhắm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine, mà chỉ tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Kyiv. Theo đó, phía Moscow cho biết người dân bình thường của Ukraine sẽ không gặp nguy hiểm.
Minh Hạnh (Theo CNN)