Các đại biểu Quốc hội đề xuất phải đưa mức xử phạt thật nặng, thậm chí có thể lên tới 50- 100 triệu đồng, tịch thu bằng lái xe từ 3- 5 năm với người vi phạm uống rượu bia tham gia giao thông.
Ông Bùi Sĩ Lợi trả lời phỏng vấn tại hành lang Quốc hội. Ảnh: Viết Tôn |
Xung quanh Luật Phòng chống, tác hại của rượu bia sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện mong muốn Luật sẽ được triển khai hiệu quả trong thực tế, thậm chí đề xuất rất nhiều biện pháp mạnh để tăng cường xử lý các sai phạm.
Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Bùi Sĩ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Những câu khẩu hiệu như: “Tham gia giao thông thì không uống rượu bia", “Không uống rượu bia khi tham gia giao thông” rất hay. Tôi rất muốn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sắp tới, trong quy định về các hành vi bị cấm có thể viết ngay là “người tham gia giao thông thì không được uống rượu, bia”. Tức là chỉ cần uống rượu, bia là bị xử phạt chứ không chờ đến lúc phải đo nồng độ cồn. Vì biện pháp đo nồng độ có thể khiến nhiều người bằng cách này hay cách khác tác động để kết quả đo không chính xác”.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng đề xuất, trước tình thế bức bách vì đã có quá nhiều người chết oan vì rượu, bia như thời gian gần đây, trong khi chờ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, Quốc hội nên có một Nghị quyết, có thể là Nghị quyết kinh tế- xã hội để Chính phủ có cơ sở đề ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Cụ thể, Nghị quyết đó có vai trò như một Luật điều chỉnh và có hiệu lực ngay lập tức khi Nghị quyết ban hành, sẽ có tác động tới xã hội lớn hơn, nhanh hơn Luật. Nhưng trong Nghị quyết này phải có nội dung lộ trình, cách thức và giải pháp để Chính phủ có căn cứ ra Nghị định hoặc ra các văn bản pháp quy để đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Điều quan trọng nhất là có giải pháp để ngăn cấm nhưng khi thực hiện phải có cơ chế và chế tài xử lý.
Cũng đề xuất những giải pháp để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia triển khai hiệu quả, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết: “Thời gian qua, tác hại của rượu bia đã nhìn thấy rõ khi gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế, tinh thần; là nỗi lo âu, bức xúc với toàn xã hội. Vì vậy việc đưa ra Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trong thời điểm này là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân. Với Luật thông qua lần này, muốn có hiệu quả thì giải pháp quan trọng nhất là phải quy định các hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sử dụng rượu bia, gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ trước kia trong Luật chỉ quy định xử phạt khi người sử dụng rượu bia tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu đo được vượt quá 50 mg- 80 mg/100 ml máu là chưa đủ sức răn đe, cảnh báo, nên nhiều sai phạm vẫn xảy ra, chưa tính đến những trường hợp có uống rượu bia nhưng chưa gây ra tai nạn”.
Theo đó, rất cần rút kinh nghiệm như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đã có Luật rồi nhưng từ khi ban hành đến nay chưa có một nơi nào xử phạt được các vi phạm. Vì vậy, trong Luật phòng chống tác hại của rượu, bia lần này, cần phải xây dựng hình thức quy định rất cụ thể và chi tiết các chế tài để xử lý nghiêm và xử lý có hiệu quả những sai phạm để nâng hiệu quả của Luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, với sai phạm về uống rượu, bia tham gia giao thông, phải xử lý thu hồi lại bằng lái xe từ 3- 5 năm hoặc xử phạt ít nhất 50 - 100 triệu đồng mới đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp khống chế sai phạm. Ví dụ, các cửa hàng bán rượu bia phải có mức độ, không để bán thoải mái dẫn tới khách hàng say hoặc những người có liên quan như người ép tài xế uống rượu, bia gây tai nạn được khai ra cũng phải bị xử lý.
“Tôi rất kỳ vọng khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ban hành sẽ giảm bớt được ít nhất 50- 60% các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động do sử dụng rượu bia. Còn biện pháp triệt để thì chắc chắn vẫn rất khó vì người dân lâu nay vẫn có thói quen uống rượu bia trong các cuộc liên hoan; và lấy việc ép nhau uống làm niềm vui. Vì vậy, nếu trong quá trình xử lý xử phạt không nghiêm, thiếu sức răn đe, cảnh báo thì hiệu quả áp dụng cũng không cao. Bên cạnh đó, khi Luật ban hành, tất cả các Bộ, ngành, tỉnh thành phải có văn bản triển khai, đồng thời phải có bộ máy để tuyên truyền phổ biến Luật đến tận người dân, từng cơ quan đơn vị và tiếp tục kiểm tra. Đồng thời phải có giải pháp kết nối mạng để nếu có trường vi phạm ở tỉnh này thì tỉnh kia đều biết vi phạm ở điểm này thu bằng thì điểm kia không thể cấp bằng hoặc không tuyển dụng những tài xế này”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Video đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương trao đổi bên lề Quốc hội về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia:
[presscloud]9963[/presscloud]
Nguồn: Báo Tin Tức/TTXVN