Được biết, sự việc xảy xảy ra ở Tây An, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận nước này.
Cụ thể, chuyện xảy ra là vào lúc 6h sáng, anh Hứa, cha của cậu bé đưa cậu con trai 8 tuổi Tiểu Hiên đến bến xe buýt của trường. Vì hôm đó có việc nên anh phải rời đi trước và để con đợi xe một mình. Tuy nhiên, 2 tiếng sau, nhà trường gọi điện hỏi tại sao Tiểu Hiên không đến lớp hay lên xe buýt. Thông tin này khiến gia đình rất lo lắng và ngay lập tức gọi điện cho cảnh sát.
Gia đình lo lắng tìm kiếm bé trai mất tích. Ảnh: Sohu.
Đồn cảnh sát địa phương hay tin một học sinh tiểu học mất tích đã lập tức tổ chức lực lượng để tiến hành tìm kiếm. Sau gần 4 giờ đồng hồ tìm kiếm kỹ lưỡng của gia đình và cảnh sát, cuối cùng họ cũng tìm thấy đứa trẻ trong khu rừng gần làng, lúc đó cậu bé đang ngủ say.
Tìm hiểu thì biết, vì đợi xe buýt quá lâu nên Tiểu Hiên quyết định ghé vào rừng cây gần đó để chợp mắt nghỉ ngơi, không ngờ cậu bé ngủ thiếp cả buổi sáng, thậm chí còn không để ý khi xe buýt đến. Sau khi nghe lời giải thích của Tiểu Hiên, cha mẹ và cảnh sát đều chết lặng. Rất may đó là vụ mất tích giả và đứa trẻ không gặp nguy hiểm gì.
Sau khi biết tin, nhiều người sẽ cảm thấy buồn cười, cho rằng đứa trẻ này phải ngủ giỏi đến mức lại đi ngủ trong rừng thay vì đến trường. Nhiều người cũng sẽ nhớ lại trải nghiệm trốn học hồi nhỏ và sự hồn nhiên trẻ con của mình ở độ tuổi đó. Một số người cũng có thể trách phụ huynh quá bất cẩn, vô trách nhiệm khi để đứa trẻ nhỏ mới 8 tuổi đợi xe buýt của trường một mình.
Sau 4 giờ nỗ lực tìm kiếm, cậu bé được cảnh sát tìm thấy khi đang ngủ trong rừng. Ảnh: Sohu.
Lý do thực sự khiến câu chuyện này xảy ra là do đứa trẻ tiểu học thiếu ngủ. Nó có thể liên quan đến quãng đường đến trường dài và khối lượng bài tập về nhà quá nặng.
Bố của Tiểu Hiên đã đưa cậu đến bến xe buýt của trường lúc 6 giờ sáng, nghĩa là có lẽ cậu đã dậy lúc 5h30 để chuẩn bị. Thời gian đi học chung là 8 giờ, người ta suy đoán rằng ngôi làng nơi cậu ở cách trường tương đối xa, và có thể phải mất hơn một giờ để đến đó bằng xe buýt của trường. Nếu tan học lúc 5 giờ chiều thì cậu bé lại phải bắt xe buýt về nhà khi đã gần 7 giờ, sau đó còn phải ăn, làm bài tập, tắm rửa,... đến tối muộn.
Tính ra, thời gian ngủ của Tiểu Hiên vào ban đêm là không đủ. Theo tiêu chuẩn, học sinh tiểu học nên ngủ đủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Tiểu Hiên năm nay 8 tuổi và đang là học sinh lớp hai, nên ngủ khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Trong trường hợp này, chắc hẳn cậu bé đã bị mất ngủ lâu ngày. Gánh nặng bài vở và việc đi học có thể đè lên một đứa trẻ mới chỉ 8 tuổi và người lớn rất cần suy ngẫm về vấn đề này.
Nên hay không nên cho con học hành quá nhiều?
Học tập luôn là trách nhiệm bắt buộc các bạn học sinh, sinh viên cần phải thực hiện tốt. Bởi, ngoài giúp lĩnh hội, trau dồi kiến thức cho bản thân để thực hiện các ước mơ, kế hoạch được lập trình sẵn thì còn đáp ứng sự kỳ vọng từ phía gia đình lẫn nhà trường và xã hội.
Trên thực tế, học tập được xem là thước đo đánh giá vị trí của mỗi đứa trẻ trước cuộc đua về trí thức. Vì thế, đòi hỏi mỗi người phải có sự tăng tốc, không ngừng học tập, nâng cao kiến thức bằng việc lao học tập.
Trẻ em thường vấp phải áp lực học tập do bố mẹ áp đặt. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dường như các bạn trẻ nhỏ đang phải học tập quá nhiều, đôi khi vượt qua cả khả năng của chính bản thân mình. Điều này thường bắt nguồn từ những thúc dục và nguyện vọng của bậc phụ huynh đối với con cái của mình.
Phần lớn các bậc phụ huynh đều có tâm lý muốn con học nhiều để thật giỏi, tốt hơn bạn bè cùng trang lứa. Do đó, họ thường cho trẻ học tập rất sớm và kèm cặp, giám sát việc học tập của con con. Thậm chí, ngoài học ở trên trường, bố mẹ còn cho con tham gia vào nhiều lớp học thêm, phụ đạo, năng khiếu…
Theo một số liệu thống kê mới nhất, có đến 75% học sinh phải đi ngủ trễ và ít hơn 8 tiếng/ngày. Ngoài việc học kéo dài 8 tiếng trên lớp thì trẻ còn 2 – 4 giờ học thêm, sau đó làm các bài tập về nhà và rèn luyện năng khiếu. Có không ít trường hợp các bé mãi đến 11 giờ vẫn chưa hoàn thành bài tập về nhà và 6 giờ sáng hôm sau phải dậy để chuẩn bị cho một ngày bận rộn ở các lớp học.
Ngoài ra, các kỳ kiểm tra diễn ra liên tục, với tần suất lớn cũng khiến cho học sinh, sinh viên lao vào việc học hành nhiều hơn. Chung quy cũng chỉ vì điểm số chính là chuẩn mực để đánh giá thực lực của một đứa trẻ. Điểm càng cao càng chứng tỏ năng lực giỏi và là người thông minh.
Những tác hại của việc học quá nhiều
Mặc dù trẻ chuyên tâm vào việc học tập là một điều rất tốt cho tương lai của bé sau này. Và áp lực học tập đôi khi tạo ra động lực để trẻ cố gắng, nỗ lực đạt được những kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, song song với việc học hành, trẻ nhỏ cần có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi theo đúng độ tuổi của mình.
Tình trạng học quá nhiều, bị áp lực học tập từ bố mẹ trong một thời gian dài có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường đối với tâm lý, tinh thần, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Hơn thế nữa, tình trạng này còn có thể khiến trẻ trở nên “sợ học”, chán nản và bị trầm cảm.
Dưới đây là những hậu quả của việc học quá nhiều bậc phụ huynh cần biết để có thể điều chỉnh lại thời gian, tìm cách giảm áp lực học hành cho con hiệu quả để bé phát triển theo hướng tốt nhất.
Áp lực học hành khiến trẻ luôn căng thẳng tâm lý
Như đã đề cập ở trên, căng thẳng là vấn đề mà trẻ sẽ gặp phải khi học tập quá nhiều và gặp áp lực học hành trong thời gian dài. Mặc dù đây là tình trạng phổ biến nhưng có rất nhiều người vẫn chưa biết và nắm rõ về hậu quả của stress gây ra.
Khi trẻ bị căng thẳng thần kinh trong một thời gian quá lâu sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với tâm lý và thể chất. Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là các bé có nguy cơ bị chứng trầm cảm và rối loạn hành vi. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến tinh thần, sức khỏe của con thay vì chăm chăm vào việc ép buộc các bé học quá nhiều để có một tương lai sáng lạng.
Hậu quả của việc học quá nhiều – trẻ sợ học
Mục đích chính của việc học hành là nâng cao năng lực, mở mang kiến thức và rèn luyện đạo đức để phục vụ cho kế hoạch trong tương lai của bản thân trẻ. Tuy nhiên, quá trình học tập chỉ mang lại kết quả khả quan khi trẻ tìm thấy niềm đam mê và sự hào thú trong đó.
Một khi đã tìm thấy hứng thú thì trẻ sẽ say mê học hành, chủ động làm bài tập và tìm hiểu kiến thức bên ngoài sách vở mà không cần bố mẹ phải nhắc nhở. Ngược lại, nếu trẻ học với bị ép buộc, áp lực việc học từ bố mẹ thì sẽ dần mất đi niềm đam mê và trở nên “sợ học”.
Đây là một tác hại của việc học quá nhiều mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý vì một khi các bé “sợ học” sẽ ảnh hưởng đến tương lai, chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
Những cách giảm áp lực học tập cho trẻ
Để ngăn chặn những tác hại của việc học quá nhiều xảy ra và trẻ có môi trường học hành, sinh hoạt lành mạnh thì bố mẹ nên:
Đừng ép trẻ phải học quá nhiều
Mặc dù việc học giúp trẻ lĩnh hội được nhiều kiến thức mới mẻ, mở mang đầu óc và là nền tảng vững chắc cho tương lai sau này. Thế nhưng, học quá nhiều có thể mang lại tác dụng phụ, trẻ chán học hơn và ảnh hưởng trầm trọng tới thể chất lẫn trí não.
Vì vậy, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên ép con phải học quá nhiều, đăng ký vào lớp này lớp kia cho trẻ mà chưa nắm rõ tâm tư, sở thích của bé.
Khuyến khích con trẻ tham gia các hoạt động thể chất
Căng thẳng, mệt mỏi vì học tập là tình trạng mà trẻ thường xuyên gặp phải. Để giúp trẻ giải tỏa các áp lực điểm số, học hành và luôn có tinh thần thoải mái nhất thì bố mẹ hãy cho con tham gia vào những hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao hoặc cùng con chơi đồ chơi lắp ghép xếp hình, lắp ráp mô hình, giải đố…
Chẳng hạn như, thỉnh thoảng cho trẻ đi chơi công viên, thăm vườn thú hay một chuyến đi nghỉ dưỡng cùng gia đình… Những hoạt động này cũng là cách giúp con biết hơn về thế giới bên ngoài một cách chân thật nhất, không phải chỉ thông qua sách vở.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi lành mạnh cho trẻ
Trẻ em cần ngủ sớm và đủ 8 tiếng mỗi ngày để hỗ trợ cơ thể phát triển một cách toàn diện. Do đó, các bậc phụ huynh nên giảm việc thêm bên ngoài cho con và tạo thói quen để trẻ ngủ đúng giờ.
Song song với đó, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, cung cấp thêm vitamin và nhắc bé uống đủ nước để đảm bảo cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.
Cha mẹ cần tránh đặt nặng vấn đề điểm số
Nhiều bậc phụ huynh vì quá coi trọng đến điểm số nên mới ép trẻ phải học nhiều mà không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi cùng bạn bè. Bạn cần nhớ rằng, điểm số không phải là tất cả để đánh giá năng lực một con người mà còn cần phải có vốn sống, kỹ năng phong phú nữa.
Vì thế, bố mẹ đừng gây cảm giác khó chịu cho trẻ, tạo áp lực về điểm số hay so sánh con với bạn bè. Mà thay vào đó hãy để trẻ được thoải mái, luôn động viên con cố gắng học hành hơn.
Thường xuyên tâm sự, chia sẻ với con
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có những tâm tư nguyện vọng và nỗi niềm thầm kín riêng mà không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai. Không nhất thiết bố mẹ phải hiểu rõ các suy nghĩ của con mà chỉ cần biết được trẻ muốn làm gì, học gì… Và để nắm rõ sở thích của con thì bố mẹ nên dành thời gian thường xuyên tâm sự, lắng nghe các ý kiến của trẻ.
Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này đã giúp các bậc phụ huynh biết được các tác hại của việc học quá nhiều gây ra để có hướng giáo dục phù hợp nhất cho trẻ. Để từ đó, trẻ phát triển một cách toàn diện, luôn vui vẻ và hứng thú hơn đối với việc học tập, trau dồi kiến thức.
Thùy Dung (T/h)