Tờ The South China Morning Post cho biết, một nghiên cứu do Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố hôm thứ Ba (3/10/2023) cho thấy con số kỷ lục 299.048 học sinh tiểu học và THCS nước này không đến lớp từ 30 ngày trở lên trong năm học vừa qua (tính đến ngày 1/4/2023), tăng hơn 22% so với năm trước và chiếm 3,2% tổng số học sinh trong cùng nhóm tuổi.
Gần 52% học sinh trả lời bảng câu hỏi của Bộ trên cho biết họ không muốn đến trường vì cảm giác lo lắng hoặc uể oải. Các lý do khác bao gồm sự gián đoạn nhịp sống do đại dịch gây ra, khiến học sinh mất đi tình bạn sau đó, cũng như mong muốn được tự do vui chơi nhiều hơn.
Báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự gia tăng đáng báo động của tình trạng bạo lực học đường, bao gồm cả ở cấp trung học phổ thông trên khắp đất nước này.
Cụ thể, có 681.948 trường hợp bạo lực học đường được báo cáo và xác nhận - tăng 10,8% trong năm. Tuy nhiên, con số kỷ lục này vẫn chưa hoàn toàn chính xác vì còn nhiều vụ việc khác không được báo cáo.
Trong số các vụ bạo lực học đường này, cấp tiểu học ghi nhận 551.944 vụ, trong khi cấp trung học cơ sở ghi nhận 111.404 vụ, cấp trung học phổ thông ghi nhận 15.568 vụ và 3.032 vụ ở các cơ sở giáo dục đặc biệt. Tổng cộng 923 vụ được đánh giá là "nghiêm trọng," trong đó trẻ em bị bắt nạt đã tự tử hoặc nghỉ học.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 29.842 trường học, chiếm 82,1% số trường học ở Nhật Bản, đã ghi nhận các vụ bắt nạt học đường, tăng nhẹ so với năm học trước đó.
Áp lực học tập và bạo lực học đường khiến gần 300.000 học sinh nghỉ học. Ảnh: Vietnamnet.
Nguyên nhân dẫn đến những vấn đề trên
Ông Izumi Tsuji, giáo sư xã hội học văn hóa tại ĐH Chuo và là thành viên của Nhóm Nghiên cứu Thanh niên Nhật Bản, thừa nhận số lượng học sinh trốn học và bắt nạt thậm chí còn khiến các chuyên gia phải ngạc nhiên. Ông cho biết, "Những con số này nhiều hơn những gì chúng tôi dự đoán. Nguyên nhân chính là do tác động kéo dài của đại dịch, và vấn đề lớn hơn là trường học không phải là nơi tốt cho trẻ em."
GS Tsuji đưa ra ví dụ, tất cả học sinh phải chịu áp lực học tập rất nhiều, đặc biệt là học sinh cấp trung học cơ sở. Theo đó, để đỗ vào một trường cấp 3 tốt, ngoài học tập trên lớp, các em còn phải tham gia các hoạt động ngoại khoá, tình nguyện và các sự kiện của câu lạc bộ trong khi vẫn phải thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên.
"Học sinh mệt mỏi vì phải đến trường và lúc nào cũng bận rộn. Thật đáng lo ngại khi thấy trẻ em ở độ tuổi này phải chịu quá nhiều áp lực và có dấu hiệu căng thẳng", GS Tsuji nói thêm.
Sự căng thẳng đó thường biểu hiện ở việc bắt nạt, GS Tsuji chỉ ra, "Các trường hợp bắt nạt thường xuất phát từ việc học sinh cảm thấy quá áp lực và đổ lỗi đó lên các học sinh khác”.
Trong khi đó, người trưởng thành ở Nhật Bản dường như vẫn chịu di chứng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế liên quan trong vài năm qua. Số vụ tự tử đã tăng vọt 874 trường hợp lên 21.881 vụ trong năm tài chính 2022.
Khoảng 14.746 nam giới đã tự tử trong năm, mức tăng đầu tiên trong 13 năm, trong khi có 7.135 vụ tự tử ở phụ nữ, tăng năm thứ ba liên tiếp. Trong số này, có 1.063 người là sinh viên.
Học sinh không muốn đến trường là vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục Nhật Bản. Nhiều em theo học các mô hình giáo dục thay thế do các tổ chức tư nhân điều hành nhằm đáp ứng những nhu cầu cá nhân. Các trường tự do cung cấp trải nghiệm học tập đa dạng, tập trung vào phát triển cá nhân hơn là trau dồi kiến thức văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ Nhật Bản chưa có quy định về việc công nhận kết quả học tập và bằng cấp của trường học cá nhân. Do đó, chương trình này không thể coi là chương trình học chính thức.
Ngoài ra, nhiều trường công lập có phương án cho phép học sinh học trực tuyến thông qua robot đặt tại lớp. Các em không phải đến trường nhưng sẽ tham gia vào lớp học như bạn bè, có thể phát biểu, thể hiện cảm xúc qua robot. Điều này giúp các em giảm bớt lo âu do phải giao tiếp với bạn bè, giáo viên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phản đối phương pháp này vì mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh trau dồi các kỹ năng mềm. Việc học từ xa đang cản trở trẻ em hoà nhập xã hội.
Như Quỳnh (T/h)