Theo Vietnamnet, bệnh nhi tên H.A.P (8 tuổi, trú tại Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La) được đưa vào cấp cứu vì rắn độc cắn. Theo P., khi đang đi bộ chơi trong xóm thì bị rắn cắn vào chân. Tại thời điểm bị rắn cắn, P. không nhớ rõ con vật như thế nào vì nó bò đi nhanh. Sau đó, P. bị đau và sợ hãi. Bàn chân bị rắn đã bầm tím lại. Em được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cấp cứu. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm mô tế bào mu bàn chân, rối loạn đông máu.
Chân của H.A.P bầm tím sưng phồng sau khi bị rắn độc cắn. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Được biết trường hợp của H.A.P không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó bà T.T.S. (60 tuổi) đang dọn dẹp đồ đạc trong nhà thì bị một con rắn khúc đen, khúc trắng cắn vào tay. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhiễm độc nọc rắn.
Ngoài ra, một trường hợp là thanh niên tại xã Lóng Sập, đi làm vườn bị rắn lục cườm cắn vào chân. Sau khi được người nhà đưa vào viện, bệnh nhân phải chuyển tuyến về Hà Nội cấp cứu.
Theo các bác sĩ, hiện khu vực này xuất hiện nhiều trận mưa lớn, rắn rết độc bò vào trong vườn nhà dân. Vì vậy, khi không may bị rắn rết cắn, người dân không chủ quan, cần phải vào viện ngay.
Người bị loài rắn, rết cắn sẽ bị rối loạn đông máu. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc hơn rắn lục thường. Người bị chúng cắn nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.
Khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần phải nẹp gỗ để tránh cho chi vận động, sau đó băng ép đủ chặt nhưng không được ga-rô động mạch. Nếu con rắn đã bị giết, người dân nên mang theo đến bệnh viện để xác định loại rắn nhanh và chính xác nhất, phục vụ công tác điều trị, thông tin từ Tri Thức Trực Tuyến.
Để phòng rắn cắn, khi di chuyển ở những vùng bụi rậm, người dân nên mặc quần áo bảo hộ an toàn, đi ủng hoặc giày cao cổ, mặc quần dài. Mang theo gậy để dò đường phía trước khi đi vào những khu vực tối. Nếu gặp rắn, nên di chuyển nhẹ nhàng, tránh kích động rắn.
Thùy Dung (t/h)