Mới đây, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin về trường hợp một bé trai 6 tháng tuổi đến từ Hồ Nam bị chiễm độc chì nặng chỉ vì một bài thuốc dân gian do hàng xóm giới thiệu.
Cậu bé được nhập viện trong tình trạng bị co giật suốt 20 ngày. Qua kiểm tra, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Hồ Nam kết luận hàm lượng chì trong máu của em bé vượt quá tiêu chuẩn, chẩn đoán bị nhiễm độc chì.
Ảnh minh họa.
Điều này xuất phát từ việc cơ thể cậu bé xuất hiện vết chàm ở 2 bên nách và bẹn khi mới 15 ngày tuổi. Thay vì hỏi ý kiến bác sĩ, bố mẹ của em lại nghe theo lời hàng xóm "mách nước" rằng phải sử dụng bài thuốc dân gian là bột Hoàng Đan (hay Hoàng Đơn) thì mới có thể xòa mờ những vết chàm. Và thế là họ đã bôi loại thuốc này cho con trai suốt 4 tháng liên tục, chỉ đến khi cậu bé lên cơn co giật nhiều ngày mới cảm thấy bất ổn rồi vội vàng đưa con đến bệnh viện.
Bác sĩ Trần của bệnh viện Hồ Nam cho biết loại thuốc dân gian này vô cùng độc hại cho trẻ sơ sinh: "Thành phần chính của bột Hoàng Đan là chì tetroxide. Chất này có thể giải độc, giảm ngứa nếu bôi ngoài da. Tuy nhiên, chì là một nguyên tố độc hại, da trẻ sơ sinh lại quá mỏng manh, việc bôi trong thời gian dài như vậy dẫn đến nhiễm độc chì là điều khó tránh khỏi. Khi trẻ bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong máu trên 100ug/L sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là hệ thần kinh, liên quan đến trí tuệ và hành vi của trẻ sau này".
May mắn là em bé không gặp nguy hiểm về tính mạng. Tuy nhiên, bố mẹ của đứa trẻ chắc chắn đã bị dọa sợ "khiếp vía" một phen và không còn dám tùy tiện sử dụng thuốc cho con.
Tác hại của nhiễm độc chì đối với sức khoẻ trẻ em
Khi trẻ bị nhiễm độc chì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em: Có thể làm giảm chỉ số IQ, tăng nguy cơ mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), mất thính giác và tổn thương các dây thần kinh. Chì cản trở quá trình chuyển hóa vitamin D, suy giảm phân bào, hạn chế sự phát triển của xương, răng. cản trở sự phát triển của xương, ức chế mọc răng, thoái hóa sụn xương, gây ra tình trạng mủn xương.
Ảnh minh họa.
Đối với hệ tim mạch: Làm ức chế tạo hemoglobin dẫn đến thiếu máu; giảm sự tiếp nhận oxy của các cơ quan, gây khó thở, tim đập nhanh, huyết áp cao, mệt mỏi… Phơi nhiễm chì gây ra tình trạng viêm thận mãn tính, suy thận, và dẫn đến một số triệu chứng như: đi tiểu ra máu, buồn nôn, sốt cao, rối loạn thành phần nước tiểu.
Đối với hệ sinh sản: làm rối loạn sự phát triển tinh hoàn ở trẻ, có thể gây các bệnh về sinh sản như vô sinh, hiếm muộn, có con nhưng mang những dị tật bẩm sinh…
Nếu nghi ngờ con mắc phải tình trạng ngộ độc chì, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh cho các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Linh Chi (T/h)