Một số căn bệnh quái ác mà ai cũng nghĩ là do tuổi già như đái tháo đường đã dần xuất hiện ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên và thậm chí là cả trẻ em.
Gia đình chị Vương ở Trung Quốc có một duy nhất cô con gái 7 tuổi nên được xem là ngọc nữ của gia đình. Cô bé rất thích ăn vặt và từ ông bà cho đến cha mẹ đều cố gắng chiều lòng thành viên nhỏ trong nhà. Tuy nhiên, vấn đề cùng dần xuất hiện theo thời gian.
Cô bé 7 tuổi ngày càng gầy, không thích vận động, tần suất tè dầm lại ngày càng tăng. Chị Vương lúc đầu không để ý lắm, cho rằng con gái đang độ tuổi phát triển nên như vậy.
Đến một ngày, cô bé đột nhiên ngất xỉu, chị Vương vội vàng đưa con đến bệnh viện khám thì phát hiện con gái bị tiểu đường, thậm chí còn bị nhiễm toan ceton.
Thăm hỏi gia đình, bác sĩ phụ trách biết được rằng bệnh nhi này rất thích ăn vặt đồ ngọt, người lớn trong nhà lại chiều con chiều cháu. Do đó, bé bị đái tháo đường là hệ lụy tất yếu theo thời gian.
Sau khi được bác sĩ hết lòng cứu chữa, tính mạng của cô bé xem như được bảo đảm. Tuy nhiên cô bé 7 tuổi sau này sẽ luôn phải kiếm soát lượng đường trong máu để tránh tái diễn sự việc tương tự.
Bé gái bị tiểu đường chỉ vì gia đình cho ăn quá nhiều đồ ngọt. Ảnh minh họa |
Bệnh tiểu đường ở trẻ em
Tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả trẻ nhỏ. Trong đó, tiểu đường tuýp 1 chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Với tiểu đường type 1, ở trẻ em yếu tố di truyền từ cha mẹ chiếm tỷ lệ khoảng 10 – 20%. Đa phần trẻ em mắc tiểu đường type 1 thường không được phát hiện sớm mà chỉ đến khi các biểu hiện của bệnh đã quá rõ ràng mới phát hiện ra bệnh.
Tiểu đường type 2 thường xảy ra ở những trẻ thừa cân, béo phì hoặc có chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Biểu hiện bệnh tiểu đường ở trẻ em
- Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều
Thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều là biểu hiện điển hình của bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa |
Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường trẻ em. Nguyên nhân là do đường bị tích tụ nhiều trong máu khiến thận phải làm việc liên tục ở cường độ cao để có thể lọc và hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa.
Đến khi thận không còn khả năng để hoàn thành quá trình này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ được bài tiết ra ngoài cùng nước tiểu, khiến nước tiểu của trẻ có thể bị máu hoặc các dịch tế bào.
Trẻ bị tiểu đường sẽ đi tiểu thường xuyên dẫn đến mất nước. Khi đó trẻ sẽ uống rất nhiều nước để bù vào lượng nước bị mất đi và càng đi tiểu nhiều hơn.
- Thường xuyên thấy đói
Tiểu đường ở trẻ em gây những cơn cơn đói dữ dội, kéo dài, thậm chí ngay sau khi vừa mới ăn xong. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong các mô giảm mạnh và cạn kiệt năng lượng.
- Sút cân bất thường
Tiểu đường trẻ em khiến trẻ bị mất nhiều năng lượng do đường bị thải ra ngoài cùng nước tiểu. Trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường để giảm cơn đói nhưng các mô không nhận được năng lượng từ đường có trong thức ăn.
Do đó, các mô bắt buộc phải lấy năng lượng từ những mô mỡ đã được tích lũy trước đó. Do đó, nếu thấy trẻ bị sút cân bất thường cha mẹ cần lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Phương pháp phòng ngừa đái tháo đường
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Nên ăn nhiều rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, bởi loại thực phẩm này có hàm lượng chất xơ rất cao, giúp hạn chế và làm chậm quá trình hấp thu đường vào trong máu từ hệ tiêu hóa, qua đó giúp cơ thể kiểm soát đường huyết tốt.
Ngoài ra, những loại ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng cũng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường, bởi chúng có hàm lượng chất chống oxy hóa lớn cùng với chất xơ, giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe toàn diện cho cơ thể.
Rau xanh, quả mọng và ngũ cốc nguyên hạt rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa |
- Thường xuyên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em. Quá trình xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em khá đơn giản và nhanh chóng. Để xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm đường huyết trong nước tiểu hay trong máu.
- Đối với những trẻ đã bị mắc bệnh, cần giáo dục cho trẻ ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi những tác nhân gây hại như tránh để bị trầy xước, áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
Không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, các loại bánh kẹo, nước ngọt, mứt,...
Hoa Vũ (Theo Sina)