(ĐSPL) - Một cháu bé vừa tử vong bất thường Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM ngay sau khi đến điều trị bênh viêm phổi.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong, ngày 15/3, nhiều người không cầm được nước mắt khi thấy chị Lê Thị Hà (ngụ ấp Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, Đồng Tháp) ngồi khóc ngất ở một góc sân Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong lúc nhận được thông báo của bệnh viện, bệnh nhi Lý Thanh Khôi (2 tháng tuổi) - con trai chị đã tử vong.
Trước đó, ngày 24/2, bé Khôi bị ho kéo dài. Gia đình đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Cao Lãnh), bé được chẩn đoán viêm phổi. Gia đình đã thuê xe chuyển bé lên ngay Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ bệnh viện cũng cho biết bé Khôi bị viêm phổi nặng và được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Bé phải thở, ăn qua đường ống.
Chị Hà (giữa) đau xót nhìn con trai 2 tháng tuổi lần cuối tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. |
Đến ngày 8/3, bé đã có thể tự thở qua mặt nạ oxy. Ngày 12/3, bác sĩ trưởng khoa cho biết sức khỏe bé có chuyển biến theo hướng tốt. Vào chiều 13/3, chị Hà vào thăm con theo giờ quy định. “Tôi thấy con có vẻ mệt. Các miếng băng keo dán ống truyền sữa và mặt nạ oxy bung ra. Tôi liền nhờ cô điều dưỡng gắn lại cho bé nhưng cô này trả lời “có sao đâu, cái ống đang nằm trong lỗ mũi con chị đó”, rồi cô cũng không gắn lại cho bé”, chị kể. Khoảng hơn 18h, hết giờ thăm bệnh, thân nhân được mời ra ngoài để điều dưỡng cho bệnh nhi ăn qua đường truyền. Linh tính của người mẹ khiến chị Hà cảm thấy bất an. Chị cứ ngồi ngay trước cửa khoa hồi sức (đã được khóa), không đi đâu.
Đến khoảng 20h tối đó, có một thân nhân cùng phòng với chị đi từ trong khoa ra, chị mở cửa chạy vào thăm con. Khi đi qua bàn làm việc, chị thấy bác sĩ, y tá trực đang ngồi ăn trái cây, cười nói rôm rả, không ai để ý đến các em bé đang nằm xung quanh. Khi đến chỗ con nằm, chị Hà hốt hoảng thấy mặt nạ oxy của bé Khôi đã rớt ra ngoài, sữa trào ra lênh láng trên mặt, bụng phình lên, toàn thân bé tím tái. Chị la lên kêu cứu. Lúc này y tá, bác sĩ mới lao tới cấp cứu… Tình trạng em bé sau đó được thông báo rất nguy kịch. Đến sáng 15/3, bệnh viện cho biết bé đã tử vong.
Ngày 15/3, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, bệnh viện đã hết sức cố gắng cứu chữa, nhưng cháu bé không qua khỏi. “Trong sáng 15/3, ban giám đốc đã gặp gia đình để lắng nghe các thắc mắc, góp ý. Vào ngày 16/3, bệnh viện sẽ họp hội đồng khoa học để đánh giá về ca này. Khi có kết luận của hội đồng, sẽ thông tin cho gia đình”- bác sĩ Hùng nói. Theo bác sĩ Hùng, về thái độ của ê kíp trực để cháu bé bị tuột ống thở, ống truyền sữa, sữa trào ra mặt… như người nhà phản ánh, ban giám đốc sẽ họp để biết lỗi tới đâu, nếu có sẽ xử lý nghiêm khắc. Bác sĩ Hùng cũng cho biết, bệnh viện cũng hỗ trợ gia đình trong việc đưa bé Khôi về quê lo hậu sự ngay trong ngày 15/3.
Theo báo KiếnThức, trước đó, năm 2014, một cháu bé tử vong bất thường tại BV ĐK Lục Ngạn ngay sau khi đến điều trị bênh viêm phổi.
Ngày 20/3, khi vào khám tại bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), các bác sĩ chẩn đoán cháu Hoàng Minh Khôi (4 tháng tuổi, trú tại thôn Bãi Chè, xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) bị viêm phổi. Sau đó, bác sĩ tiêm thuốc cho cháu nhưng chỉ một lúc sau cháu có biểu hiện mệt mỏi tím tái. Mặc dù các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu nhưng cháu đã tử vong.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân. Việc cháu Khôi chết bất thường đã khiến gia đình cháu bé và dư luận địa phương bức xúc.
Ông Hoàng Văn Sáu (47 tuổi, ông nội cháu bé) cho biết, sáng ngày 20/3, thấy cháu Khôi có biểu hiện ho, khò khè, gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn. Tại đây, khi lấy máu xét nghiệm xong thì bác sĩ tiêm cho cháu một mũi thuốc. Tiêm xong được một thời gian ngắn, cháu có biểu hiện tím tái, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, chưa đến nỗi đưa vào cấp cứu. Tuy nhiên các bác sĩ khoa Nhi vẫn đè cháu xuống tiêm liên tiếp 7 mũi, mặc dù bác sĩ không đo huyết áp mà đưa vào thở ô xy luôn.
“Đến 3 giờ chiều ngày 20/3, bệnh viện muốn đùn đẩy trách nhiệm nên bảo gia đình cho cháu lên tuyến trên. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý, bởi nếu cho đi phải đảm bảo cháu tôi vẫn còn sống, nhưng bệnh viện không đảm bảo nên tôi không cho đi. Một lúc sau, cháu tôi tử vong. Khi đó, gia đình tôi mới biết, bác sĩ bảo gia đình đưa cháu lên tuyến trên để đùn đẩy trách nhiệm, vì bác sĩ biết cháu tôi không qua khỏi. Bệnh viện tiêm sốc thuốc, sai thuốc mà đùn đẩy trách nhiệm là không chấp nhận được”, ông Hoàng Văn Sáu cho biết.
“Cháu tôi đang khỏe mạnh, chỉ bị ho mà đột nhiên chết sau vài mũi tiêm của bệnh viện. Khi pháp y đo cơ thể cháu thì bảo cháu phát triển bình thường, không hề có biểu hiện gì. Hơn nữa, chưa xét nghiệm máu xong mà bác sĩ đã tiêm như vậy. Sauk hi cháu tôi chết, giám đốc bệnh viện cho biết, cháu tôi chết do bị sốc phản vệ. Có thể các bác sĩ nói thế để giảm nhẹ vụ việc. Bởi khi đó, bệnh viện chỉ làm cam kết, ghi một mũi kháng sinh, thế nhưng khi khám nghiệm tử thi thì lại có 6 đến 7 mũi tiêm. Ghi như thế gia đình không chấp nhận được. Gia đình tôi gửi đơn lên cơ quan cong an huyện để điều tra làm rõ vụ việc. Bây giờ gia đình tôi muốn hỏi rằng, cháu tôi mất như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Hoàng Văn Sáu bức xúc.
Cháu Khôi là con đầu lòng của chị Lương Thị Thảo (20 tuổi), Hoàng Văn Chiến (1989), đều là người dân tộc Sán Dìu, kinh tế khó khăn do cả hai đều làm nông nghiệp.
Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của cháu Hoàng Minh Khôi, PV Kiến Thức đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, bác sĩ Trần Văn Bình, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn, thừa nhận có trường hợp cháu Hoàng Minh Khôi tử vong khi điều trị tại Bệnh viện. Nguyên nhân dẫn đến việc cháu Khôi tử vong được vị lãnh đạo bệnh viện này khẳng định do bị sốc phản vệ.
“Sáng 20/3, cháu Hoàng Minh Khôi (4 tháng tuổi, thôn Bãi Chè, xã Quý Sơn, Lục Ngạn) vào bệnh viện, các bác sĩ khám bệnh, làm xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu là cháu bị viêm phế quản phổi. Sau đó, các bác sĩ điều trị tiêm thuốc. Sau khi dùng thuốc 60 phút thì xảy ra những diễn biến bất thường. Theo chuyên môn chúng tôi khẳng định cháu bị sốc phản vệ nên đưa vào cấp cứu theo phác đồ điều trị sốc phản vệ, Bộ y tế nhưng không có kết quả”, bác sĩ Trần Văn Bình cho biết.
“Khi cháu tử vong, Bệnh viện đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo Sở y tế, UBND huyện, Công an, viện kiểm sát, mời pháp y khám nghiệm tử thi. Kết quả đang đợi các cơ quan chức năng. Về góc độ chuyên môn chúng tôi đã làm hết sức mình, khi gia đình yêu cầu mổ tử thi, chúng tôi cũng đề nghị mổ tử thi. Bệnh viện đang đợi kết quả pháp y để sớm làm rõ vụ việc”, PGĐ bệnh viện khẳng định.
Kim Thành (Tổng hợp)