Lợi dụng sơ hở, nhóm đối tượng đã thực hiện trót lọt 34 vụ, trộm được hơn 70 xe máy của công nhân.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 19/6, Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết vừa triệt phá băng nhóm chuyên trộm cắp xe máy của công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Phước, Tây Ninh.
4 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Thanh Tùng (37 tuổi, ngụ tỉnh Long An); Nguyễn Đức Sang (21 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước); Hoàng Trọng Chương (23 tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế) và Phạm Quốc Khanh (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp).
4 đối tượng tại cơ quan điều tra (Từ trái qua phải: Tùng; Chương, Trọng, Khanh). Ảnh: báo Dân trí |
Theo báo Sài Gòn giải phóng, qua điều tra, được biết, với thủ đoạn đi theo nhóm, lợi dụng sự sơ hở của bảo vệ ở các công ty trong các khu công nghiệp, chỉ trong thời gian từ cuối năm 2016 đến tháng 5/2017, 4 đối tượng đã gây ra 34 vụ trộm, lấy cắp hơn 70 xe máy tại các công ty trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), huyện Nhà Bè (TPHCM), huyện Cần Đước, Cần Giuộc (Long An).
Ngoài ra, các đối tượng này còn trộm cắp tài sản ở 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Sau khi trộm được tài sản, các đối tượng phân công mang tài sản đi tiêu thụ tại Campuchia và lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Hiện Công an huyện Nhơn Trạch đang phối hợp với công an các địa phương khác để tiếp tục mở rộng vụ án.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)