Sau hơn 3 tháng “khai tử phố cà phê đường tàu” tại khu vực Trần Phú, Phùng Hưng (Hà Nội), đến nay dường như các hoạt động lại tái diễn trở lại như chưa từng có lệnh cấm, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cận kề tính mạng du khách cũng như người dân tại khu vực.
Lực lượng dân phòng vẫn đứng gác tại một số điểm. |
Trước đó, ngày 7/10/2019, sau công văn đề nghị của bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, thực hiện trước 12/10/2019.
Vào sáng ngày, 10/10/2019, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu tại khu vực Trần Phú, Phùng Hưng, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến. Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều, tiếc một điểm đến độc đáo trong mắt khách du lịch, song đa số người dân đều đồng tình với phương án này nhằm đảm bảo không có bất cứ sự cố chạy tàu nào xảy ra như đã từng vào năm 2001 (tàu trật bánh ở Cửa Nam), hay năm 1978 (lật tàu tại đầu phố Trần Phú khiến 34 người thiệt mạng).
Ngày 7/10/2019, sau công văn của bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt. |
Tuy nhiên, ghi nhận của PV báo ĐS&PL vào ngày 12/1/2020 tại tuyến đường sắt nói trên, đông đảo người dân du khách trong và ngoài nước di chuyển tấp nập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Dù có lực lượng dân phòng đứng gác tại các điểm đầu, nhưng dường như không có động thái đến khi biết PV có mặt mới bắt đầu làm nhiệm vụ không cho du khách di chuyển vào khu vực cấm.
Một thực tế tại nơi đây, trong những ngày cận Tết, mặc dù có các biển báo quy định hết sức cụ thể: Khu vực nguy hiểm: Không tụ tập đông người; Không quay phim chụp ảnh, không đi đứng, ngồi trên đường sắt; Không kê bàn ghế, bày bán hàng trong lòng và hai bên đường sắt... Tuy nhiên, không khí vẫn vô cùng nào nhiệt. Các biển báo dường như vô tác dụng. Không những thế, bất chấp nguy hiểm, nhiều người thậm chí còn ngang nhiên đi lên luôn trên đường ray tàu hỏa. Một số khác liều lĩnh ngồi hẳn vào giữa hai đường ray tàu để chụp cho mình những bức ảnh mà không biết rằng, chỉ tích tắc thôi, nếu sơ sểnh, tai họa có thể xảy ra. Không khí náo nhiệt như chưa từng có lệnh cấm.
Ngày 10/10/2019, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu. |
Các quán cà phê vẫn đông đúc tấp nập khiến chúng ta nhớ lại thời điểm lúc giải tỏa, có ý kiến hồ nghi, liệu có giống chiến dịch “giải cứu” vỉa hè trước đây? Còn nói, có thể thấy, câu chuyện dẹp cà phê đường tàu khá giống chuyện giải tỏa vỉa hè. Không phải chính quyền đô thị không làm được, mà vấn đề nằm ở quyết tâm đến đâu, có thực hiện triệt để? hay qua vài giai đoạn ra quân cao điểm rồi “đâu lại vào đấy”?
Theo Nghị định 56 năm 2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định là 5,6 mét. Trong khi chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định là 3 mét. Như vậy, khoảng cách với đường ray của các hộ dân xóm đường tàu hầu như không đáp ứng được quy định.
Không khí náo nhiệt như chưa từng có lệnh cấm. |
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng ra quân, đông đảo người dân du khách di chuyển tấp nập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. |
Phạm Tùng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8