Đóng

Bão Wipha: Dự báo có thể 18 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng

  • Phương Uyên (t/h)
(DS&PL) -

Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương có nguy cơ cao khẩn trương triển khai phương án ứng phó, không để bị động khi bão đổ bộ.

VietNamNet thông tin, chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với cơn bão Wipha.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp ứng phó bão Wipha. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Wipha đang ở vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines), di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Dự báo rạng sáng mai (19/7), bão sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm nay.

Khoảng từ chiều 21/7, bão bắt đầu tác động đến đất liền nước ta, đặc biệt là khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Phạm vi ảnh hưởng của bão Wipha dự báo sẽ bao phủ 18 tỉnh, trong đó có 1.713 xã.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết cơn bão có khả năng gây mưa lớn với lượng mưa dự báo có thể lên tới 200-350mm, có nơi trên 600mm.

Mưa lớn kéo dài từ ngày 21-24/7, và sau khi bão vào đất liền, hệ thống thời tiết xấu phía sau bão có thể tiếp tục gây mưa cho Bắc Bộ đến khoảng ngày 25/7.

Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão Wipha lúc 13h ngày 18/7. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, bão Wipha có đường đi tương tự bão Yagi, nên cần phải chuẩn bị phương án phòng chống cơn bão có thể đạt cường độ mạnh lên tới cấp 10-11, với gió giật mạnh đến cấp 14-15. Mặc dù bão Wipha có thể không mạnh như bão Yagi, nhưng không thể chủ quan.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp các đơn vị của bộ cử cán bộ có mặt tại các xã có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai để kiểm nghiệm lại vận hành, lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền hai cấp trong công tác phòng chống thiên tai, để từ đó rút kinh nghiệm.

Với hoạt động trên biển, ông Hiệp đề nghị lực lượng biên phòng thông báo kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Cục Thủy sản và Kiểm ngư rà soát lại các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và tổ chức thu tỉa để tránh thiệt hại, không để xảy ra trường hợp như bão Yagi.

Với đất liền, các địa phương cần rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất vì từ đầu năm đến nay liên tục xảy ra sạt lở. Cùng với đó rà soát các công trình giao thông, công trình nhà nước đang thi công ở miền Bắc để bảo đảm an toàn cho người, tài sản. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhất là công an xã sẵn sàng lực lượng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

"Chúng tôi cũng rất quan ngại ngập úng ở một loạt đô thị do mưa bão gây ra. Từ đầu năm đến nay, nhiều đô thị đã xảy ra ngập úng liên tục. Riêng Thái Nguyên xảy ra hai trận. Đô thị mà cứ mưa là ngập thì rất lo ngại, kể cả Hà Nội nguy cơ ngập úng rất cao, nên các địa phương phải lưu ý việc này", ông Hiệp nói.

Tin nổi bật