Khung cảnh cướp bóc hỗn loạn ở đường phố tại tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi hôm 14/7. Ảnh: Reuters
Ngày 14/7 (giờ địa phương), người phát ngôn của sở Cảnh sát Nam Phi cho biết, bạo loạn do vụ bắt giữ cựu Tổng thống Zuma đang lan rộng tại nhiều tỉnh ở Nam Phi, khiến ít nhất 72 người chết và hơn 1.000 người biểu tình bị bắt.
Theo Reuters, bất ổn xảy ra sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma tự trình diện để thi hành bản án 15 tháng tù vì không tuân lệnh tòa án.
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Zuma cho rằng ông là nạn nhân của cuộc thanh trừng chính trị. Họ đã đốt lốp xe, phong tỏa đường phố tại tỉnh KwaZulu-Natal, quê nhà của ông Zuma.
Các siêu thị, trung tâm mua sắm bị cướp phá ở Nam Phi. Ảnh: EPA
Người ủng hộ coi cựu Tổng thống Zuma là một chính khách vì dân trong 9 năm lãnh đạo tính đến năm 2018. Một số người cho rằng động cơ cầm tù ông là tấn công vào nhóm dân tộc lớn nhất Nam Phi là Zulu.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu và giàu có tại Nam Phi lại ủng hộ ông Zuma rời bỏ ghế lãnh đạo bởi có nhiều nghi vấn về hối lộ và mua chuộc.
"Những người thuộc tầng lớp trung lưu như tôi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn. Hôm qua, tôi không thể mua bánh mì và sữa, sau đó được nhận từ một tổ chức cộng đồng. Chúng tôi phải xếp hàng, mỗi người được phát hai ổ bánh mì và một lít sữa. Tôi không biết họ lấy từ đâu nhưng họ đã phát 8.000 ổ. Tuy nhiên, hôm sau thì không phát thêm nữa", một người dân ở thành phố Durban thuộc tỉnh KwaZulu-Natal nói.
Bên cạnh nỗi lo thiếu lương thực, người dân ở KwaZulu-Natal còn đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc men, nhiên liệu và nhiều nhu yếu phẩm khác.
Ở một số khu dân cư trong thành phố Durban xảy ra các cuộc đối đầu bạo lực, những kẻ cướp bóc tìm cách đột kích các cửa hàng và một số ngôi nhà trước khi cư dân có vũ trang nổ súng, buộc họ phải rút lui.
Khung cảnh tan hoang hoang trên đường phố ở KwaZulu-Natal. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Vụ việc có thể còn ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận khi một lượng lớn xe tải chở hàng đi lại giữa Nam Phi và các nước châu Phi khác hiện đang mắc kẹt ở biên giới giữa Nam Phi và Zimbabwe.
Lý do là các tài xế xe tải sợ bạo loạn, một phần cũng vì nhiều công ty vận tải hàng hóa đã đóng cửa do bạo loạn và không thể cung cấp chứng từ khai báo tương ứng cho hải quan.
Được biết, nhiều cảng ở KwaZulu-Natal là nơi vận chuyển lương thực, dầu thô, thuốc men, khoáng sản và nhiều nhu yếu phẩm chính hàng ngày cho 14 quốc gia ở khu vực Nam Phi.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)