Nam Phi phải vứt bỏ 2 triệu liều vaccine COVID-19. Ảnh minh họa
Nam Phi, quốc gia đang nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng khi nước này bước vào đợt thứ ba của đại dịch COVID-19, cho biết sẽ phải vứt bỏ hai triệu liều vaccine Johnson & Johnson sau những lo ngại về ô nhiễm tại một trong những cơ sở sản xuất vaccine của Mỹ.
Ngày 12/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói với J&J rằng hàng triệu liều thuốc được sản xuất tại cơ sở Cấp cứu Sinh học của tập đoàn ở thành phố Baltimore không phù hợp để sử dụng.
Sau khi xem xét, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Nam Phi (SAHPRA) cho biết: "Chúng tôi sẽ không phát hành vaccine được sản xuất bằng cách sử dụng lô dược phẩm không phù hợp".
Nhà máy của Johnson & Johnson ở Baltimore phải tạm ngừng sản xuất hồi tháng 4 sau khi công nhân tại cơ sở này nhầm lẫn thành phần vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson với vaccine của AstraZeneca.
Truyền thông Mỹ tuần trước cũng đưa tin, giới chức nước này buộc phải vứt bỏ khoảng 60 triệu liều vaccine J&J sau sự cố nói trên.
FDA vẫn đang quyết định có cho phép nhà máy mở cửa trở lại hay không.
Tin tức mới đây là đòn giáng mạnh vào chương trình tiêm chủng vốn đang rất chạm chạp ở Nam Phi. Quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào vaccine J&J để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 60 triệu dân của nước này trong năm nay.
Nam Phi trước đó đặt hàng hơn 31 triệu mũi tiêm một liều từ J&J. Quốc gia này ủng hộ việc tiếp cận công bằng vaccine, kêu gọi từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine phòng COVID-19 để tất cả quốc gia có thể sản xuất với chi phí thấp.
"Nếu muốn cứu sống nhiều người và chấm dứt đại dịch, chúng ta cần mở rộng và đa dạng hóa sản xuất, đưa các sản phẩm y tế vào điều trị, chống lại và ngăn chặn đại dịch cho càng nhiều người càng tốt", Tổng thống Cyril Ramaphosa nói trong cuộc họp với các nước G7 ở Anh hôm 13/6.
Trước đó, vào tháng 2, Nam Phi đã từ chối hơn 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca vì nghi ngờ về hiệu quả của nó đối với biến thể SARS-CoV-2 tại địa phương.
Tụt hậu so với nhiều quốc gia khác, Nam Phi chỉ mới tiêm chủng cho hơn 1% dân số. Đây là quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 , với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và gần 58.000 ca tử vong.
Hơn 9.300 trường hợp mới được ghi nhận trong 24 giờ qua.
Mộc Miên (Theo ndtv.com)