Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bão Linda năm 1997: Cà Mau 128 người chết, 1.164 người mất tích

(DS&PL) -

Trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997, Cà Mau là tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất, với 128 người chết, 1.164 người mất tích.

Trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997, Cà Mau là tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất, với 128 người chết, 1.164 người mất tích.

Ngày 3/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão Linda năm 1997. Buổi lễ diễn ra trong không khí xúc động, tiếc thương những người đã ra đi vĩnh viễn trong cơn bão này.

Tham dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo tỉnh Cà Mau, cùng hàng trăm người dân có thân nhân bị tử nạn trong cơn bão số 5.

Vào đêm 31/10/1997, vùng áp thấp ở khu vực nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây. Đến trưa 1/11/1997, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 600km về phía đông chếch nam và mạnh dần lên thành bão- cơn bão số 5 có tên quốc tế là Linda.

Bão Linda di chuyển với tốc độ 20km/h, mạnh lên cấp 8-10, gió giật cấp 10.

Người thân của những nạn nhân tử nạn trong trận bão Linda không kìm được nước mắt trong buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: Dân Trí

Vào trưa ngày 2/11/1997, tâm bão Linda đi qua phía nam của Côn Đảo với sức gió đạt cấp 10, giật cấp 12. Tối 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão Linda đi sang vùng biển Cà Mau- Kiên Giang và đi về phía tây vịnh Thái Lan.

Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đây là cơn bão lịch sử, lần đầu tiên đổ bộ vào tỉnh Cà Mau và có sức tàn phá dữ dội. Cơn bão đi qua đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, mất mát về người, thiệt hại về tài sản, hoạt động sản xuất bị xáo trộn, nhất là trong lĩnh vực khai thác thủy sản do thiếu trầm trọng nguồn lao động đi biển, kéo theo sự giảm sút của các ngành chế biến, dịch vụ và toàn ngành thủy sản lúc đó.

“Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm những người đã tử nạn vì thiên tai và cùng tiếp tục sẻ chia với những người còn ở lại. Chúng ta cùng thắp nén hương lòng, hứa với bà con ngư dân đã ra đi mãi mãi rằng sẽ quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản, không để tái diễn thảm cảnh đau thương, tang tóc phủ trùm lên ở nhiều địa phương, nhiều gia đình như thời điểm những ngày đầu tháng 11 năm 1997”, ông Sử nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh, với bài học đắt giá từ cơn bão Linda và kinh nghiệm từ các vụ thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chỉnh quyền và toàn thể nhân dân phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật