Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ký ức ám ảnh "siêu bão" Linda: Người đàn bà vớt được 18 thi thể...nhưng không thấy chồng

(DS&PL) -

Cách đây 20 năm khi "siêu bão" Linda đổ bộ khiến 3.000 người chết và mất tích ở Nam Bộ, một người phụ nữ ở Cà Mau đã lao mình ra biển tìm chồng.

Cách đây 20 năm khi "siêu bão" Linda đổ bộ khiến 3.000 người chết và mất tích ở Nam Bộ, một người phụ nữ ở Cà Mau đã lao mình ra biển tìm chồng. 4 ngày lênh đênh trên biển, mỗi lần thấy có xác người, chị lại giật mình....

Người phụ nữ lao ra biển tìm chồng

Vào ngày 2/11/1997, bão Linda đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền. Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Bão Linda đi qua khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha. Đã hơn 20 năm, nhưng những ký ức kinh hoàng về trận bão lịch sử vẫn ám ảnh người dân xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau- nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Vào chiều ngày 2/11, khi trời mưa như trút nước bà Trần Thị Đào (ngụ ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau) ôm 3 đứa con thơ nép bên hiên nhà, nhìn về hướng cửa biển, nơi chồng bà cùng các ngư phủ đang đánh mẻ lưới cuối cùng. Bỗng bộ đàm vang lên, bà nhấc máy, chồng bà báo đang cho tàu chạy vào bờ, nhưng do sóng lớn quá phải neo đậu lại. Bà lại tiếp tục chờ, bữa cơm chiều bỏ dở.

Đến tối cùng ngày, bà cố liên lạc bộ đàm với chồng nhưng không nhận được tín hiệu phản hồi. Tờ mờ sáng ngày 3/11, bà Đào ôm 3 đứa con về nhà ngoại gửi, rồi cho tàu nổ máy, chạy ra biển tìm chồng. Đến trạm kiểm soát biên phòng tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho tàu ra khơi. Bà Đào ký giấy cam kết, tự chịu trách nhiệm của bản thân.

Bà Diệu ở nhà giữ cháu nội, con trai bà nối tiếp nghề biển của cha. Ảnh: Báo Thanh Niên

Bốn ngày lênh đênh trên biển, mỗi lần thấy có xác người là bà lại mong đó không phải chồng mình. Chuyến đi ấy, bà Đào vớt được 18 thi thể ngư phủ… nhưng không có thi thể của chồng bà.

Bà Lý Hồng Lý (ngụ ấp 1, xã Khánh Hội)- có cha và 2 em nằm lại dưới biển trong trận bão Linda nhớ lại: Ngày hôm đó ông Nhựt ở cùng xóm đang đánh bắt trên biển, gọi bộ đàm báo bão, nhưng cha bà không tin. Cha bà báo ghe mình đang trúng mực, mới nửa con nước mà được 15 triệu đồng. Ông nói ráng đến hết con nước, kiếm được 30 triệu về trả nợ đóng ghe biển. Nhưng tối đó, bão dữ nhấn chìm ghe biển của cha bà.

“Sau đó khoảng 2 tuần, trên đài thông báo có 1 ghe cào ở Kiên Giang cào được cặp đựng tiền và giấy tờ của cha tôi. Mẹ tôi qua Kiên Giang nhận. Ông chủ ghe cào tốt lắm, số tiền bị hư hỏng, ông ấy bỏ tiền túi vào gửi lại mẹ tôi”, bà Lý kể.

Ông Trần Văn Húa (80 tuổi, ấp 4, xã Khánh Hội) có 3 người con trai, 2 người con rể và 1 đứa cháu trai mất tích trong cơn bão Linda nhớ lại, vào ngày ấy, khi đi đánh bắt ngoài biển khơi từ chủ tàu cho đến ngư phủ đều còn có tâm lý chủ quan vì nghĩ mình đã quen với biển cả. Tàu ghe thì nhỏ, không đủ công suất, phương tiện liên lạc chỉ có chiếc máy bộ đàm, dụng cụ cứu nạn cứu hộ chỉ là những chiếc thùng dùng để ướp cá. Khi hay tin bão, tôi dùng máy bộ đàm để liên lạc với các con, chỉ cho chúng kinh nghiệm để neo đậu thuyền, tránh bão nhưng mọi thứ dường như quá nhỏ bé trước những cơn sóng biển….

Trong ngày bão đổ bộ, chị Nguyễn Thị Phương (ấp 7, xã Khánh Hội) chuyển dại sinh con. Tuy nhiên, sáng hôm sau, niềm vui đón con chào đời chưa dứt thì chị hay tin chồng đã chết ngoài biển.....

Những góa phụ nuôi hy vọng qua 2 thập kỷ

Đã trải qua 2 thập kỷ, nhưng những người phụ nữ ở huyện U Minh (Cà Mau) vẫn không ngừng nuôi hy vọng, người thân của mình sẽ trở về.

Bà Trần Thị Lăng (57 tuổi) ở kênh Xáng Mới, ấp 4, xã Khánh Hội vẫn nhớ như in ngày hôm đó. Vừa mới nhận tin chồng mất tích, lại nhận tiếp tin con mất tích. “Ông trời vẫn còn thương tôi, một tuần sau thằng Húng về. Đò vừa ghé bến sông, trên nhà tôi xỉu, dưới bến nó cũng xỉu. Nó tên Trần Văn Húng, còn người chết tên Trần Văn Hùng, nên họ thông báo nhầm”, bà Lăng nhớ lại. Húng về nhà với tâm trạng hoảng loạn, gia đình phải đưa đi điều trị một thời gian. Lành bệnh, Húng lại xin mẹ ra khơi vì nhớ biển.

Bà Trần Thị Diệu (48 tuổi, em chồng bà Lăng) ở kênh Xáng Mới, kể: “Má tôi một lúc mất đi 3 người con trai, 2 con rể và 2 cháu ngoại”. Trong số 7 người mất tích có chồng bà. Chồng mất khi đứa con lớn vừa 5 tuổi, đứa kế 3 tuổi, đứa nhỏ vừa sinh 3 tháng.

Theo bà Diệu, ở xóm này chỉ có khoảng 3 - 4 người tái giá. Riêng nhà bà, 4 phụ nữ gồm chị, em dâu và người chị gái, em gái đều ở vậy chờ chồng. Bà Diệu nói: “Anh rể thứ 8 và em rể thứ 10 cùng thằng Húng về được khiến tôi luôn hy vọng dù mong manh là chồng tôi được tàu nước ngoài vớt, đang sống ở xứ người mà chưa về kịp”.

Bà Lê Thị Mỹ Dung (43 tuổi) có chồng là Võ Minh Thành mất tích trong cơn bão. Trước khi đi, ông Thành còn dặn vợ giữ gìn sức khỏe, sau chuyến biển về, có tiền sẽ mua cái mùng mới để khi con sinh ra có mùng ngủ, không sợ muỗi cắn. Vậy mà… “Tui vẫn nuôi hy vọng vì chưa thấy xác”, bà Dung nói.

Chia sẻ với báo chí, ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết, trước cơn bão Linda, ngư dân ít ai tin rằng vùng biển này lại có thể xảy ra bão lớn. Cũng vì vậy mà ý thức phòng tránh bão của ngư dân rất thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tang thương, đau lòng mà chưa biết đến bao giờ quên được...

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật