Cuối ngày 1/4 (giờ địa phương), Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh biểu tình bạo động nổ ra vì cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong một thông báo của chính phủ, ông Rajapaksa cho biết ông đưa ra quyết định này vì lợi ích của an ninh công cộng, nhằm mục đích bảo vệ trật tự công cộng và duy trì nguồn cung cấp và các dịch vụ thiết yếu.
Trước đó, ngày 31/3, hàng trăm người biểu tình đã đã đụng độ với cảnh sát và quân đội ngay bên ngoài phủ Tổng thống ở thủ đô Colombo.
Các lính biệt kích của quân đội Sri Lanka ở gần phủ tổng thống, nơi những người biểu tình bạo động đốt cháy nhiều phương tiện. Ảnh: Reuters
Cảnh sát đã bắt giữ 53 người tham gia vào các cuộc bạo động và áp đặt lệnh giới nghiêm trong và xung quanh Colombo để ngăn chặn các cuộc biểu tình lẻ tẻ nổ ra vì tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm nhiên liệu và các hàng hóa khác.
Quốc đảo 22 triệu dân ở Ấn Độ Dương đang phải đối mặt với tình trạng mất điện liên tục tới 13 giờ mỗi ngày khi chính phủ cố gắng đảm bảo ngoại hối để thanh toán cho nhiên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, ngành du lịch sinh lợi và lượng người ra nước ngoài lao động của Sri Lanka cũng đã bị cắt giảm do đại dịch COVID-19, tình hình tài chính công đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc cắt giảm thuế sâu mà ông Rajapaksa đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2019.
Người dân Sri Lanka bình thường cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hoá và lạm phát tăng vọt, sau khi nước này phá giá mạnh đồng tiền của mình vào tháng trước, trước cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một chương trình cho vay.
Truyền thông địa phương cho biết một liên minh gồm 11 đảng phái chính trị đã thúc giục Tổng thống Rajapaksa giải tán nội các và thành lập chính phủ mới bao gồm tất cả các bên để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Vào ngày 31/3, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông gần tư dinh tổng thống sau khi họ đốt cháy một số xe cảnh sát và quân đội. Một quan chức tiết lộ, ít nhất 20 sỹ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người bạo động.
Bộ trưởng Du lịch Prasanna Ranatunge cảnh báo những cuộc biểu tình như vậy sẽ làm tổn hại đến triển vọng kinh tế của đất nước. Ông Ranatunge thông tin: "Vấn đề chính mà Sri Lanka đang phải đối mặt là sự thiếu hụt ngoại hối và các cuộc biểu tình như vậy sẽ làm tổn hại đến du lịch và gây ra những hậu quả kinh tế".
Đại diện Liên hợp quốc tại Sri Lanka, bà Hanaa Singer-Hamdy, đã kêu gọi kiềm chế giữa tất cả các nhóm liên quan. Bà nói: "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến và lo ngại về các báo cáo về bạo lực".
Giao dịch trên thị trường chứng khoán của nước này đã bị đình chỉ trong ngày liên tiếp vào ngày 1/4 sau khi chỉ số blue-chip chính giảm 10%.
Minh Hạnh (Theo Reuters)