Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Báo động tình trạng trẻ học theo YouTube: Cha mẹ đang gián tiếp....hại con

(DS&PL) -

Bận rộn với công việc hằng ngày và để con tự chơi với điện thoại, máy tính hay tivi là tình trạng không còn quá xa lạ với nhiều gia đình Việt Nam hiện nay.

Bận rộn với công việc hằng ngày và để con tự chơi với điện thoại, máy tính hay tivi là tình trạng không còn quá xa lạ với nhiều gia đình Việt Nam hiện nay. Và người lớn không hề biết trẻ chơi gì, xem gì trên các thiết bị điện tử, cho đến khi...

Cái giá trả quá đắt

Không khó khăn để bắt gặp một em nhỏ dưới 14 tuổi, hay thậm chí là dưới 7 tuổi, sử dụng điện thoại thành thạo hơn cả... người lớn. Lý do là các phụ huynh quá bận rộn với công việc, con quấy không chịu ăn hay cho con xem để giải trí. Thế nhưng trên thực tế, họ lại không ý thức được, con mình đang giải trí như thế nào.

Những nội dung độc hại, hoặc gắn mác độc hại trong các bộ phim hoạt hình hay các trò chơi dành cho trẻ em không còn là điều quá mới nhưng rất đáng báo động. Đặc biệt, chỉ mới vài ngày trước đây, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai đã tử vong vì nghi vấn thực hiện "" trên mạng.

Hiện trường xảy ra vụ án bé trai 8 tuổi tử vong do làm theo “Thử thách Momo”.

Cụ thể, bé trai này đã tự treo cổ trong nhà tắm. Chỉ khi đã quá lâu không thấy bé trở ra, gia đình mới phá cửa xông vào, nhưng lúc này mọi thứ đã quá muộn. Hay cách đây hơn 1 tháng, sự việc đau lòng tương tự cũng xảy ra với một bé gái 5 tuổi khi nghi vấn em đã học cách tự treo cổ nhưng vẫn thở được từ những video trên mạng.

Những video, nội dung hoạt hình thoạt nhìn vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối lo lớn đã trà trộn vào cuộc sống của trẻ, trở thành một "con quỷ" vô hình. Đặc biệt là với những gia đình có con nhỏ như chị Nguyễn Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Chị Hương có con gái nhỏ năm nay đã 7 tuổi. Ngoài thời gian học ở trường, khi về nhà chị cho con xem các video hoạt hình trên mạng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ.

"Vì con đi học ở trường căng thẳng nên trước giờ ăn cơm tôi thường cho cháu xem hoạt hình hay chơi game. Mặc dù nhiều khi tôi vẫn hỏi cháu xem gì, nội dung như thế nào, nhưng không thể giám sát hết được vì trẻ con vốn rất hiếu kỳ, lại nhanh nhẹn", chị Hương trăn trở. Vốn chỉ muốn con được giải trí cho thoải mái đầu óc nhưng trước những thông tin xấu độc trên mạng ngày một nhiều, chị Hương không giấu nổi sự bất an.

Cùng suy nghĩ với chị Hương, anh Thành Nam (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết vì bản thân bận rộn, lại nuôi hai con một mình nên anh không thể quan tâm con nhiều. Với tâm lý chiều chuộng, yêu thương hết mực nên con muốn gì, anh Nam đều đáp ứng, kể cả chuyện trang bị cho con điện thoại, máy tính bảng,...

Ngày qua ngày, các con của anh dường như phụ thuộc vào điện thoại quá nhiều mà không còn giao tiếp hay nói chuyện thường xuyên với bố cũng như mọi người trong gia đình.

"Các cháu vẫn còn nhỏ, lại hay xem những video với nhiều nội dung tôi không hiểu. Mặc dù tôi cũng chủ động tâm sự với các con rằng nên tránh những nội dung tiêu cực hay chỉ dẫn gây nguy hiểm cho bản thân trên mạng, song thật sự các cháu có nghe lời hay không thì tôi không kiểm soát được", anh Nam trăn trở.

Khi đọc thông tin báo chí đưa về những vụ tử vong dại dột nghi do xem và bắt chước những hành vi tiêu cực trên mạng của nhiều trẻ, anh Nam rất lo lắng. Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), anh cho hay: "Ở thời đại công nghệ 4.0, khi mọi thông tin đều có thể dễ dàng tìm kiếm qua mạng, tôi lo con mình vẫn còn quá nhỏ để nhận thức được thông tin nào đúng, thông tin nào sai".

Vì biết các con vẫn cần học và giải trí bằng điện thoại hoặc tivi, nên thay vì tịch thu thiết bị công nghệ của con, anh Nam dặn người nhà luôn phải để ý đến các cháu nhiều hơn. Tuy vậy, anh đã cắt giảm thời gian dùng điện thoại của các con để tâm sự và chơi với con với hy vọng hiểu con nghĩ gì, muốn gì, từ đó uốn nắn được tư tưởng của các con.

Lỗ hổng trong việc định hướng

Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển - nhận định, những thực trạng đau lòng đã xảy ra thời gian vừa qua là do nhiều nhóm nguyên nhân tạo thành.

"Có thể thấy hệ thống mạng cũng như thông tin đại chúng đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Song các cơ quan quản lý vẫn chưa có những quy định hay hình phạt thật sự mang tính răn đe về vấn đề quản lý thông tin xấu độc trên mạng", ông Đức nói. Bên cạnh đó, việc nhà trường, gia đình không hướng dẫn hay giáo dục trẻ cần sử dụng mạng ra sao là một thiếu sót vô cùng lớn.

Momo thường xuất hiện trong các phim hoạt hình và ép trẻ thực hiện những hành động tiêu cực.

Ngoài ra, nguyên nhân lớn nhất, theo ông Đức, nằm ở chính trẻ em. Ở lứa tuổi còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm, trẻ dễ có tâm lý bắt chước điều mới lạ mà không biết những điều đó là không tốt hoặc gây hại cho mình.

PGS.TS Đức nhấn mạnh, vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc, định hướng con cái là điều vô cùng quan trọng, nhất là với trẻ ở lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo. "Cha mẹ phải là người chăm nom, quan tâm đến con em mình cả về vật chất và tinh thần để nắm bắt, hiểu biết về những nhu cầu của con. Từ đó giúp con điều chỉnh nhu cầu, hành vi một cách đúng đắn. Nếu bỏ qua việc làm này, có nghĩa là các bậc cha mẹ đang đánh mất đi vai trò, trách nhiệm của họ với con cái", ông Đức nói thêm.

Đồng thời, việc trẻ chỉ hứng thú với văn hóa nước ngoài mà không biết hay quên đi những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Theo ông Lê Quý Đức, Việt Nam không thiếu những trò chơi phát triển về mặt thể hình, trí tuệ hay nghệ thuật, nhưng: "Chúng ta đã bỏ quên việc phổ biến những trò chơi đó cả về mặt phương  pháp, nội dung hay cách thức nhằm thu hút trẻ". Chính vì không tạo được sức hấp dẫn với trẻ nên chúng dễ đi theo những sự hấp dẫn và mới mẻ khác mà quên đi giá trị dân tộc mình.

Thông tin thêm về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Phất (văn phòng luật sư An Phát Phạm) cho biết, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 về "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội", các hành vi lợi dụng mạng xã hội với mục đích cung cấp thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc hay chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn đều sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Đồng thời, những thông tin đó sẽ buộc phải gỡ bỏ vì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo luật sư Phất, rất khó có thể xác định được có phải nạn nhân đã xem những video đó và quyết định hành động theo không hay còn câu chuyện nào khác. Bên cạnh đó, việc những video đó xuất hiện từ đâu, xuất phát nhằm mục đích gì vẫn là một dấu hỏi vô cùng lớn chưa có lời giải đáp.   

"Thử thách Momo" là một trò thử thách trên mạng được nhiều người lan truyền. Momo là một nhân vật với hình dạng kỳ quái, mái tóc dài, vầng trán nhô cao, hai mắt lồi cùng khuôn miệng rộng to bất thường. Một hình tượng kinh dị khiến nhiều người không khỏi cảm thấy ghê sợ. Chúng thường xuất hiện trong các ứng dụng cho trẻ em, gửi nhiều hình ảnh bạo lực và nhiều trẻ đã thực hiện theo.

Các thử thách Momo đưa ra thường là cắt tay, cạo đầu, thậm chí là tự tử, kèm theo đó là lời đe dọa nếu không làm theo sẽ bị trừng phạt. Đặc biệt, "Thử thách Momo" thường nhắm vào những thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý.

Được biết, hình tượng Momo vốn là tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản tên Keisuke Aisawa. Tác phẩm có tên Chim mẹ và được trưng bày từ năm 2016 tại Tokyo. Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể xác định thử thách Momo bắt nguồn từ đâu và những người dàn dựng nên thử thách nguy hiểm này có mục đích gì. Tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của Internet, thử thách Momo hiện đã lan rộng và có nhiều phiên bản trên nhiều quốc gia.

Lê Trà

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (191)

Tin nổi bật