Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Bão Demrey là cơn bão khủng khiếp"

(DS&PL) -

"Bão Demrey- bão số 12 là cơn bão khủng khiếp, mạnh nhất, tàn phá dữ nhất trong suốt 35 năm qua... và ngoài sức tưởng tượng", Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho hay.

"Bão Demrey- bão số 12 là cơn bão khủng khiếp, mạnh nhất, tàn phá dữ nhất trong suốt 35 năm qua... và ngoài sức tưởng tượng", Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Tính đến ngày 6/11, bão số 12 đã khiến 44 người chết, 19 người mất tích, hàng chục nghìn căn nhà bị sập và hư hỏng.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người là do bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong năm qua đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ, nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.

Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế.

Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; Lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế; bố trí sắp xếp neo đậu tàu làm công tác cứu hộ, cứu nạn chưa hợp lý nên khi có sự cố cần tổ chức cứu nạn thì chưa kịp thời, không di chuyển được do không có đường ra phía biển.

Căn nhà ở Khánh Hòa bị sập do bão số 12. Ảnh: Dân Trí

Tỉnh Khánh Hòa là tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất, với 27 người tử vong. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh nhìn nhận: "Bão Demrey là cơn bão khủng khiếp, mạnh nhất, tàn phá dữ nhất trong suốt 35 năm qua... và ngoài sức tưởng tượng".

Ông Vinh cho hay, Khánh Hòa có thành phố, huyện, thị xã là vùng ven biển, hải đảo bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trong khi bão Damrey "cực mạnh", sức gió khi vào đất liền cấp 12, giật cấp 13 đã vượt quá sức chống chịu của đa số nhà cấp bốn. Bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh khi đổ bộ vào đất liền. Chiều gió thay đổi liên tục đã làm nhiều cây xanh, nhà cửa bật gốc, đổ sụp và tốc mái. Rất nhiều tuyến đường bị hư hỏng, cây xanh chắn ngang khiến việc đi lại khó khăn. 

Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận: "Rất nhiều người dân đã tử vong trong bão, điều này khiến tôi rất buồn. Địa phương rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó. Ngoài ra, họ còn chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão".

Theo Chủ tịch Khánh Hòa, người dân cũng còn có tâm lý giữ tài sản. Rất nhiều hộ nuôi thủy, hải sản trên các lồng bè không chịu vào bờ mà túc trực tại đấy gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi đi thực tế lúc bão và sau bão, lãnh đạo tỉnh thấy có rất nhiều nhà thờ ơ với bão. Bởi, những hộ chằng chống nhà cửa bằng bao cát, gia cố dây nhựa kỹ thì không sao; còn các gia đình không chịu chằng chống, bị tốc mái.

Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, bão số 12 không đổ bộ nhưng tỉnh lại chịu nhiều thiệt hại về tàu thuyền, đây là sự cố không ai lường trước được.

Ông Dũng cho hay, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Quy Nhơn chỉ có thể tránh trú bão tối đa 30 tàu. Tại thời điểm bão Damrey đổ bộ, số lượng lên tới 104 tàu hàng, trong đó nhiều tàu công suất lớn neo đậu ở cảng Quy Nhơn và nhiều tàu vãng lai vào không xin phép.

"Cảng vụ bố trí được 53 tàu vào khu vực tránh trú bão, còn 51 tàu phải neo ở phao số 0. Ngoài ra, có 21 tàu tự vào khu vực cảng, không liên lạc báo cáo", ông Dũng nói.

Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết, rạng sáng 4/11 có 8 tàu chìm, tỉnh huy động tất cả lực lượng đóng quân trên địa bàn ứng cứu. 500 lượt cán bộ, chiến sĩ với 10 tàu nhỏ đã tham gia cứu hộ trong điều kiện gió to sóng lớn và cứu được 71 thuyền viên, 10 người bị chết, 3 người mất tích.

Các thuyền viên được cứu cho biết, họ nghe thông báo bão vào Nam Phú Yên và Khánh Hòa nên nghĩ rằng tránh trú ở cảng Quy Nhơn sẽ an toàn, không ngờ bão mạnh vào thẳng khu vực này gây thiệt hại nặng.

Đồng quan điểm, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, cách đây 20 năm, bão Linda gây hậu quả nặng nề vì thiếu thông tin, chính quyền và người dân chủ quan, di dân không kịp thời. Với bão Damrey, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì "khó lý giải". Ông Hoài cho hay, tỉnh Khánh Hòa nhiều năm không có bão lớn, thành phố Nha Trang được bọc bởi dãy núi bao quanh vịnh, nên dẫn tới tâm lý chủ quan của một số người dân. "Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm, nhưng nhiều cấp chính quyền và người dân còn chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn", ông Hoài nói.

Theo Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai, việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) còn nhiều bất cập, dẫn tới 10 tàu bị chìm và gặp sự cố. Ngoài ra, phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là việc di dời dân ở nơi không an toàn. Việc sắp xếp neo đậu tàu không hợp lý làm công tác cứu hộ gặp khó. Khi có sự cố, cần tổ chức cứu nạn thì không di chuyển được do không có đường ra phía biển...

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật