Theo quy định ở Khoản 8 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT- BGTVT, giấy phép lái xe hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe như sau:
- Ô tô tải, kể cả xe ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên.
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và B2.
Khoản 6 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe dưới đây:
- Xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe.
- Xe ô tô tải, kể cả xe ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
Khoản 7 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe như sau:
- Xe ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
- Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Bằng lái xe hạng C có thể điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe. Ảnh minh họa
Căn cứ vào các điều khoản nêu trên, giấy phép lái xe hạng C có thể lái những loại xe dưới đây:
- Xe ô tô tải, kể cả xe ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên.
- Xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe.
- Xe ô tô tải, kể cả xe ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
- Xe ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
Người lái xe cần phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô, cũng như quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Người có nhu cầu học và thi giấy phép lái xe hạng C phải đáp ứng các điều kiện về sức khỏe quy định tại Phụ lục 1 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
Căn cứ Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, thời hạn của giấy phép lái xe hạng C là 5 năm kể từ ngày cấp. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.