Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ban Dân dụng – Công nghiệp tỉnh Quảng Ninh “im lặng” trước thông tin gói thầu có dấu hiệu đội giá hàng chục tỷ đồng

(DS&PL) -

Theo nghiên cứu tìm hiểu, 1 gói thầu do Ban Dân dụng – Công nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức có dấu hiệu chênh lệch cao hơn giá nhập khẩu gần 38%, khoảng 28 tỷ đồng. Nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, PV đã liên hệ tới đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi.

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong đấu thầu

Công tác đấu thầu là việc làm thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo mua sắm đồng bộ các trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn.

Nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, PV đã liên hệ tới ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh nhưng không nhận được phản hồi.

Với vai trò “cầm cân nảy mực” mỗi cuộc thầu, chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể của từng gói thầu và quy định của pháp luật để quyết định lựa chọn nhà thầu phù hợp, bảo đảm các mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Trách nhiệm của chủ đầu tư rất quan trọng và đã được luật hóa tại Điều 78 luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ 1/1/2024 tới đây). Cụ thể, phê duyệt và tổ chức thẩm định nhiều nội dung quan trọng như: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu…

Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư đã chưa tròn vai, khiến cuộc thầu để lại những vết chàm và kéo theo hệ lụy là nhiều người có trách nhiệm vướng vòng lao lý.

Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu, nhằm đóng góp thông tin hữu ích giúp các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là ban Dân dụng – Công nghiệp – PV).

Sản phẩm mua sắm cao từ 2-4 lần so với giá nhập khẩu

Được biết, ban Dân dụng – Công nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, địa chỉ tại tầng 4, trụ sở liên cơ quan số 3, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Phân tích dữ liệu từ trang mua sắm công cho thấy, đơn vị này mời thầu và cũng là chủ đầu tư của hàng trăm gói, với tổng giá trị trúng thầu: 11.530.108.465.420 đồng (hơn 11,5 nghìn tỷ đồng).

Ảnh chụp màn hình ngày 22/12/2023.

Trong số đó, gói thầu số 11: Mua sắm trang thiết bị chuyên dùng được phê duyệt ngày 25/8/2023 bởi Giám đốc Nguyễn Hữu Đuyến (Quyết định số 398/QĐ-BDD&CN) có nhiều sản phẩm giá cao hơn giá nhập khẩu.

Các sản phẩm này đều do đơn vị trúng thầu là liên danh công ty Cổ phần đầu tư HDN (MST: 0101905830, địa chỉ: tầng 3, tòa HH2 Bắc Hà, số 15 Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) - công ty TNHH Việt Phan (MST: 0100985583, địa chỉ: tầng 12A, toà nhà Viwaseen, 48 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội), cung cấp. Tổng giá trị cả gói thầu là 75.065.100.000 đồng (bằng chữ: Bảy mươi lăm tỷ, không trăm sáu mươi lăm triệu, một trăm nghìn đồng).

Khi so sánh với giá dự toán 75.722.562.000 đồng, số tiền ban Dân dụng – Công nghiệp tiết kiệm cho ngân sách sau đấu thầu là 657.462.000 đồng (bằng chữ: Sáu trăm năm mươi bảy triệu, bốn trăm sáu mươi hai nghìn đồng), đạt tỉ lệ 0,9%.

Quyết định số 398/QĐ-BDD&CN ngày 25 tháng 08 năm 2023.

Nguồn vốn thực hiện gói thầu từ ngân sách tỉnh và nguồn tài trợ; Kế hoạch năm 2023 dự án được bố trí 200.000 triệu đồng tại Quyết định số 3638/QĐ- UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh. Dù đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng kết quả mở thầu cho thấy, liên danh HDN - Việt Phan là nhà thầu duy nhất tham dự thầu và trúng thầu.

Theo nghiên cứu của phóng viên, 26/45 hàng hóa trong gói thầu đều có giá cao hơn từ 2-4 lần so với giá nhập khẩu, tổng chênh lệch gói thầu lên tới 28.406.766.001 đồng, tức 37,84% (đây là mức giá sau khi đã cộng các chi phí thuế VAT và thuế nhập khẩu từ 10-47,5% tùy hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành).

Một phần bảng so sánh do phóng viên nghiên cứu và thực hiện.

Có thể lấy ví dụ, hệ thống CT - scanner 64 - 128 lát cắt vòng quay (model Revolution EVO - Hãng: GE Healthcare Japan Corporation), xuất xứ Nhật Bản, được ban Dân dụng – Công nghiệp phê duyệt giá 14.560.000.000 đồng. Tuy nhiên, hệ thống này (đầy đủ phụ kiện đi kèm) được nhà thầu công ty Cổ phần đầu tư HDN nhập khẩu vào ngày 13/9/2022 (tức sau thời điểm trúng gói thầu trên khoảng 19 ngày) với chi phí 7.740.739.804 đồng, thấp hơn gói thầu 6.819.260.196 đồng.

Tương tự, ngày 19/09/2022, máy siêu âm tổng quát model: LOGIQ P9 - Hãng sản xuất: GE Ultrasound Korea, Ltd được một đơn vị nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá 1.453.329.882 đồng. Còn ban Dân dụng – Công nghiệp lại mua sản phẩm ở mức 2.200.000.000 đồng – cao hơn giá nhập khẩu 746.670.118 đồng. Với số lượng 4 máy, chủ đầu tư có thể phải chi cao hơn so với giá nhập khẩu 2.986.680.473 đồng.

Đèn mổ treo trần (2 nhánh kèm camera và tay treo màn hình) XLED -Hãng/nước chủ sở hữu: Steris / Mỹ -Nước sản xuất: Pháp, được chủ đầu tư phê duyệt cho liên danh HDN - Việt Phan giá 1.390.000.000 đồng. Trong khi đó, cũng thiết bị trên có cùng model, nguồn gốc được nhập khẩu chỉ 294.005.431 đồng – bằng 1/4 giá trúng thầu. Nếu so sánh số lượng 4 chiếc được mua ở gói thầu, tiền chênh lệch là 2.191.989.138 đồng.

Thực tế, để đưa sản phẩm đến với chủ đầu tư, phía doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải tính đến bài toán lợi nhuận. Thêm nữa, mỗi sản phẩm sẽ phải “cõng” thêm các chi phí như kho bãi, vận chuyển… Nhưng con số chênh lệch 28,4 tỷ đồng là rất đáng suy ngẫm.

Theo ý kiến của luật sư Dương Văn Phúc, đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc phê duyệt kết quả gói thầu mua sắm trang thiết bị có trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó, chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của luật Đấu thầu.

“Theo luật thì việc tổ chức đấu thầu phải đảm bảo công bằng, minh bạch, sử dụng tiền ngân sách để đầu tư mua sắm công cũng phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm, đúng giá trị. Chủ đầu tư tổ chức mời thầu, phê duyệt gói thầu phải là người có vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho hoạt động đấu thầu được tuân thủ quy định pháp luật”, luật sư Phúc nói.

Chúng tôi có niềm tin rằng không có chuyện nâng khống giá trị thiết bị để trục lợi từ công tác đấu thầu ở ban Dân dụng – Công nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Và cũng cần nói rõ thêm rằng, những số liệu PV dùng để so sánh tại bài viết này chỉ là một kênh tham khảo, không thể khẳng định về dấu hiệu tiêu cực hay không tại ban Dân dụng – Công nghiệp Quảng Ninh. Do vậy, với mong muốn minh bạch hơn thông tin về giá gói thầu, PV đã liên hệ tới đơn vị này. Thế nhưng, đã gần 2 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Luật sư Dương Văn Phúc cho rằng, khi tiếp nhận dấu hiệu chênh lệch giá cao ở gói thầu thì cần phải xem xét lại quy trình thực hiện và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

“Sai phạm liên quan đến công tác đấu thầu có thể sẽ bị truy cứu theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tại Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 353. Tội tham ô tài sản; Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…”, vị luật sư thông tin thêm.

Ngọc Bảo – Thuận Nguyễn

Tin nổi bật