Báo Tiền Phong dẫn lời cô giáo Nguyễn Lệ Thi, Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), người từng giành danh hiệu "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" của Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, nhà trường chủ trương không giao bài tập cho học sinh dịp Tết.
Cô giáo Nguyễn Lệ Thi, Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội).
Kỳ nghỉ kéo dài hơn 1 tuần, đa số học sinh theo bố mẹ về quê chúc Tết ông bà, người thân hoặc đi du lịch. Sau một kỳ học tập căng thẳng, các em có khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả hơi đúng nghĩa là cần thiết. Do đó, cô cũng không giao bài tập Toán, Tiếng Việt cho học sinh. Tuy nhiên, để giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng, năng lực khác cho học sinh, cô giáo này có “Phiếu bài tập Tết” đặc biệt thú vị.
Bài tập cô Lệ Thi giao cho học sinh lớp 4 bậc tiểu học năm nay với 8 nội dung gồm:
1. Phụ giúp bố mẹ, ông bà, anh chị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.
2. Tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình.
3. Biết vào bếp phụ bố mẹ, ông bà dọn cơm, bày hoa quả dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.
4. Nhận bao lì xì bằng 2 tay, biết nói lời cảm ơn. Không mở bao lì xì trước mặt người mừng tuổi hay nói về số tiền mình nhận được.
5. Sau đêm giao thừa, học sinh ngồi vào bàn học nhưng không phải để học mà “Khai bút đầu năm” đặt mục tiêu, nhiệm vụ cho năm mới.
6. Biết nói lời chúc tốt đẹp với những người em gặp trong dịp Tết.
7. Ngày mồng 5 Tết, học sinh tự chuẩn bị đồng phục, soạn sách vở đầy đủ để chuẩn bị quay lại trường học.
8. Em để dành một ít tiền lì xì để mua một quyển sách ý nghĩa.
Ở mỗi mục, cô giáo này chia 3 mức dành cho phụ huynh đánh giá là: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Đối với học sinh, các em cũng có góc để chia sẻ cảm nhận của mình về kỳ nghỉ Tết với nội dung, điều gì khiến em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Cũng theo cô Thi, dịp Tết năm ngoái, bài tập cô giao cho học sinh đó là bố mẹ cùng con thực hiện một video quay lại lời chúc mừng năm mới. Để thực hiện bài tập, học sinh thường sẽ mặc đẹp, chuẩn bị câu chúc ấn tượng, bố mẹ hỗ trợ con chọn khung cảnh đẹp và ghi hình. Sau khi tất cả học sinh gửi video, giáo viên tổng hợp và dựng thành một sản phẩm gửi vào nhóm lớp cho phụ huynh cùng xem rất thích thú.
Bài tập dạng như vậy không khó để thực hiện và tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Không chỉ Trường tiểu học Kim Liên, mà mới đây, trên khắp các trang mạng xã hội là những bài chia sẻ về bức thư đặc biệt thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiểu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội khi đã có thư ngỏ gửi tới toàn thể giáo viên của nhà trường và yêu cầu không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết. Bức thư ngỏ đặc biệt của thầy Khang đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng và nhận được vô vàn lời khen của các bậc phụ huynh cùng sự yêu mến của nhiều bạn học sinh trên cả nước.
Thông điệp của thầy Khang nhận được "bão" like. "Ý kiến quá hay, quá đáng để được vote nhiệt liệt", rất nhiều tài khoản có chung ý kiến này.
Trong thư, thầy Khang viết: "...Thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết nguyên đán. Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".
Lý giải về đoạn thư trên, thầy Nguyễn Xuân Khang nhớ lại năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường, giữa toàn thể học sinh, phụ huynh và giáo viên, thầy Khang có hứa từ nay thầy cô sẽ không giao bài tập về nhà vào dịp nghỉ Tết hằng năm.
“Năm nay, trước thềm nghỉ Tết, tôi có gửi thư ngỏ với mục đích nhắc lại để đồng nghiệp thực hiện lời hứa đã có cách đây 12 năm đồng thời để học sinh biết và tận hưởng các Tết trọn vẹn”, thầy Khang chia sẻ.
Việc không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán đã được nhà trường thực hiện từ lâu, trước cả khi thầy đưa ra lời hứa.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng bày tỏ mong muốn thay vì phải học bài hoặc xem điện thoại cả ngày, các học sinh có thể phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, thoải mái về quê thăm gia đình, họ hàng, trải nghiệm các hoạt động Tết hay đọc những cuốn sách yêu thích.
Theo thầy Khang, thời gian nghỉ Tết không quá dài để các em quên kiến thức. Tết là dịp để học trò nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không nên giao bài tập mà hãy để học trò được tham gia các hoạt động cùng gia đình một cách thoải mái, vui vẻ, không bị áp lực bài vở, theo Tuổi trẻ và Pháp luật.
Vân Anh (T/h)