Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 36: Vì sao CĐT "giấu nhẹm" khi nhà máy điện chìm trong sự cố?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thực tế cho thấy, chưa bao giờ các chủ đầu tư ở Việt Nam đưa ra thông tin khi các dự án của mình xảy ra sự cố. Có lẽ phải đến khi các chuyên gia và báo chí phát hiện thì chủ đầu tư mới vào cuộc một cách quyết liệt và đưa ra lời giải thích.

(ĐSPL) - Thực tế cho thấy, chưa bao giờ các chủ đầu tư ở Việt Nam đưa ra thông tin khi các dự án của mình xảy ra sự cố. Có lẽ phải đến khi các chuyên gia và báo chí phát hiện thì chủ đầu tư mới vào cuộc một cách quyết liệt và đưa ra lời giải thích.

Vì sao họ lại tìm cách "giấu nhẹm" những sự cố mà đáng lẽ ra cần phải giải quyết càng sớm càng tốt? Phải chăng chủ đầu tư sợ rằng khi công bố những trục trặc đó sẽ "lộ" ra sự yếu kém về mặt chuyên môn cũng như sự quản lý của mình?

Những dự án "động đâu hỏng đó"

Có lẽ trong ngành nhiệt điện than, sẽ chẳng ai không biết đến sự cố xảy ra liên tiếp tại hai nhà máy nhiệt có quy mô lớn ở phía Bắc do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Bởi, sự trục trặc này đã gây ra những tổn thất không hề nhỏ.

Hai dự án là nhiệt điện Quảng Ninh 1 (Tập đoàn điện khí Thượng Hải làm tổng thầu) và nhiệt điện Hải Phòng 1 (Tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu) sau khi đưa vào vận hành đã thiếu ổn định, bị cháy lò, hỏng hóc thiết bị.

Theo chủ đầu tư dự án Hải Phòng 1 là Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Tổ máy 1 phát điện từ tháng 9/2009 nhưng chỉ sau một tháng hoạt động đã gặp sự cố hư hỏng bộ quá nhiệt (nhà thầu buộc phải thay thế 90 ống quá nhiệt và hệ thống điện) và các sự cố khác như xì hơi đường ống, trục trặc hệ thống tuần hoàn nước... Đáng nói, nếu điểm tên các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi các sự cố trên hầu như xảy ra ở tất cả dự án.

Tại Quảng Ninh, tổ máy số 1 (nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1) khi bắt đầu phát điện lên mạng nhưng chỉ hơn hai tháng vận hành chính thức thì gặp sự cố, chưa có khả năng hòa lưới điện quốc gia. Theo thống kê của chủ đầu tư, có tới 17 sự cố của tổ máy này cần khắc phục, dẫn đến việc tổ máy nằm "đắp chiếu". Sau đó, tổ máy số 2 bắt đầu hòa lưới điện quốc gia cũng  phải dừng vận hành năm lần do sự cố.

Có một tồn tại đáng báo động là, ở hai dự án nhiệt điện Hải Phòng hay nhiệt điện Quảng Ninh (của EVN), khi phát hiện nhà thầu Trung Quốc đưa sang các thiết bị, vật tư kém chất lượng, không đúng thiết kế, chủ đầu tư không cho lắp nhưng nhà thầu cứ lắp, thậm chí còn không cho chủ đầu tư được vào kiểm tra trong hàng rào nhà máy hay lắp vào lúc chủ đầu tư không bám thực địa.

Không chỉ tiến độ chậm, tăng giá thành lên cao, mà khi đưa vào bàn giao, các công trình Trung Quốc đảm nhiệm có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Điều đáng nói là sau đó, tất cả các dự án này đều chung một kịch bản đáng buồn nói trên nhưng vẫn tiếp tục thắng thầu ở những dự án khác. Mặc dù biết được các nhà thầu không tuân thủ theo đúng quy định của hợp đồng nhưng chủ đầu tư cũng không vào cuộc một cách quyết liệt.

Dẫn lời ông Dương Văn Cận, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng Việt Nam: "Công bằng mà nói, nhà thầu Việt còn rất nhiều vấn đề, nhưng thầu ngoại kém năng lực cũng không phải ít. Hàng loạt dự án nhà thầu ngoại trúng thầu do bỏ thầu thấp bị chậm tiến độ, chất lượng kém, cho thấy thực trạng đáng buồn này. Đã đến lúc cần có sự sàng lọc bằng một hàng rào kỹ thuật đối với các nhà thầu".

Theo ông Cận, để hạn chế việc này, khâu kiểm tra, giám sát của chúng ta phải nâng cao hơn. ở nhiều nước khác, khi sản xuất ra thiết bị cho dự án, chủ đầu tư phải đi đến tận nơi, xem xét thiết bị chất lượng ra sao.

Thậm chí, chủ đầu tư cần yêu cầu, kèm theo thiết bị cung cấp cho dự án, phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Ví dụ, thiết bị, máy móc từ Trung Quốc phải được cấp trung ương chứng nhận chất lượng, chứ không phải là hàng địa phương sản xuất. Trên thực tế, chúng ta đã có quy định về điều kiện chất lượng thiết bị nhưng chưa cụ thể.

Nhiều dự án nhiệt điện ở Việt Nam cho nhà thầu Trung Quốc thi công "chìm" trong sự cố và chậm tiến độ.

Tại sao sự cố không được phơi bày?

Dẫn lời GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khối lượng yêu cầu về nguồn điện không đạt chỉ tiêu, nhu cầu về điện được đánh giá trong Quy hoạch điện VI có sự sai lệch.

Các dự án nguồn điện và lưới điện đều chậm tiến độ, có nhiều công trình bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí chậm hơn 3 năm, gây rất nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống điện. Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2 đều chậm từ 18-24 tháng.

Bên cạnh đó, việc các nhà thầu Trung Quốc sử dụng thiết bị mà từ nước họ đưa sang, vốn bị coi là chất lượng kém nên thường xảy ra sự cố là điều dễ hiểu. Cùng với nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong đó có các nhà máy điện Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị điện của Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém như hiện nay thì việc đặt ra nhiều dấu hỏi, kể cả nghi vấn về "lợi ích nhóm" trong vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, hiện nay các chủ đầu tư của các dự án nhiệt điện trong nước tỏ ra yếu năng lực và thiếu chuyên nghiệp. Họ không có đủ khả năng để quản lý, giám sát việc đấu thầu.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư kém chuyên môn trong việc thẩm định dự án và không có tiêu chí kỹ thuật để đánh giá các nhà máy nhiệt điện. Đây chính là lý do khiến các nhà thầu Trung Quốc thoải mái chậm tiến độ, mang 100\% các thiết bị, lao động từ nước họ sang thực hiện các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam.

Ngoài ra, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc rất "nổi tiếng" trong việc "đi đêm" và biết cách làm "hài lòng" các chủ đầu tư. Phải chăng vì những lý do nêu trên nên các chủ đầu tư "giấu nhẹm" việc các nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ cũng như các nhà máy nhiệt điện than liên tiếp gặp sự cố?

"Đáng lẽ ra, đối với những công trình trọng điểm như các dự án nhiệt điện, khi chủ đầu tư yếu chuyên môn cần phải thuê được một đội ngũ chuyên gia có nghề làm công tác tư vấn. Hiện nay ở Việt Nam cũng có rất nhiều chuyên gia có uy tín và kiến thức về xây dựng các công trình điện. Khi nhà máy nhiệt điện xảy ra sự cố, chủ đầu tư phải mời các chuyên gia vào cuộc và đưa ra những biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt và rút ra được bài học kinh nghiệm khi chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, điều này đã không được thực hiện và các dự án gặp hết sự cố này đến sự cố khác ảnh hưởng đến các quy hoạch điện của Chính phủ và sẽ thêm một sự khó khăn cho kế hoạch đến năm 2020, đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại", ông Nguyễn Trường Tiến nhấn mạnh.           

Sẽ làm chủ được dự án nhiệt điện không cần nhà thầu Trung Quốc

Mới đây, trước bối cảnh nhiều dự án tổng thầu Trung Quốc làm tại Việt Nam có những gián đoạn trục trặc, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã gửi báo cáo lên Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho chủ trương kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này.

Nếu được Nhà nước tin tưởng giao cho những công trình lớn, kể cả các công trình Trung Quốc đang thi công dở dang, chậm tiến độ... chắc chắn sẽ là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, hơn nữa nó còn là bước đi quan trọng để lực lượng thiết kế, chế tạo thiết bị đồng bộ trong nước có điều kiện phát triển.

Đặc biệt có thể hoàn toàn làm chủ được nhiều dự án nhiệt điện trong chương trình phát triển điện lực theo quy hoạch 7 đến năm 2025 với khoảng 52 nhà máy nhiệt điện mà không cần có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc.

(Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam)


 

Tin nổi bật