Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 17: Lao động “chui” Trung Quốc... lộng hành

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Số lượng lao động trong nước đang “ế” chưa có việc làm, nghịch lý lại đang xảy ra ở các nhà máy nhiệt điện của EVN do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Lao động phổ thông cũng được “nhập khẩu” ồ ạt từ Trung Quốc.

(ĐSPL) - Số lượng lao động trong nước đang “ế” chưa có việc làm, nghịch lý lại đang xảy ra ở các nhà máy nhiệt điện của EVN do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Lao động phổ thông cũng được “nhập khẩu” ồ ạt từ Trung Quốc.

Sự thật đang tồn tại những mối đe dọa khôn lường, nhưng không hiểu sao EVN vẫn “bật đèn xanh” cho các nhà thầu Trung Quốc “nhảy” vào các dự án nhiệt điện?

Khách du lịch thành... lao động “chui”

Theo con số đưa ra từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).

Thế nhưng, trong đó chỉ có 517 lao động được cấp giấy phép, đang xin cấp giấy phép 165 lao động, miễn cấp giấy phép 8 lao động và 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép.

Trong khi đó, số lượng lao động Trung Quốc đổ về xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để thi công công trình trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân trong những năm gần đây rất đông, biến nơi này thành “làng” Trung Quốc.

Điều đáng nói là công nhân Trung Quốc gắn mác chuyên gia, kỹ sư nhưng rất nhiều người trong số đó lại làm công việc mang tính chất của lao động phổ thông. Trong khi đó, chính quyền huyện Tuy Phong chỉ có chức năng quản lý về mặt cư trú, giữ gìn an ninh trật tự. Còn Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận chỉ kiểm tra được giấy phép lao động chứ không thể xử lý được các lao động phổ thông Trung Quốc gắn mác kỹ sư này.

Chuyện càng lo ngại hơn khi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đưa ra số liệu báo cáo tính đến tháng 1/2014 cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài (3.217 người tại Khu kinh tế Vũng Áng).

Trong đó, chỉ 1.340 người được cấp giấy phép lao động. Như vậy, có đến 1.910 lao động làm việc chui, không giấy phép. Theo đại diện của sở này, số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 9/2013, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở Khu kinh tế Vũng Áng, qua đó phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động.

Liên quan đến vấn đề lao động nước ngoài tại Hà Tĩnh, năm 2013, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này cũng đã xử phạt ba nhà thầu 35 triệu đồng, đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh trước thời hạn 102 lao động Trung Quốc làm việc không có giấy phép.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động chủ yếu là người làm việc dưới ba tháng. Sau đó, họ xuất cảnh về nước và tiếp tục xin thị thực nhập cảnh Việt Nam để làm việc. Nhiều trường hợp lợi dụng nhập cảnh Việt Nam dưới hình thức du lịch, sau đó trốn ở lại làm việc.

Nguồn thông tin phát đi từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến năm 2013 có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người. Đáng chú ý trong những tháng đầu năm 2014 lao động nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam có xu hướng gia tăng và thiếu kiểm soát.

Tại nhiều dự án lớn ở các địa phương như Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... có tới hàng ngàn lao động nước ngoài tới làm việc, nhưng con số được cấp giấp phép lao động chỉ bằng phân nửa.

Đáng nói, số lượng lao động này lại đang tỷ lệ nghịch với mức đầu tư trực tiếp mà Trung Quốc đang mang vào Việt Nam. Theo Bộ Khoa học và Đầu tư, các dự án Trung Quốc có quy mô khá nhỏ (bình quân 3-4 triệu USD/dự án) và chủ yếu từ các cá nhân và công ty nhỏ, có thực lực tài chính trung bình.

Đầu tư trực tiếp là rất ít, nhưng hiện có tới hàng trăm dự án do nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng và làm tổng thầu ở Việt Nam, trong khi đa số lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam là công nhân kỹ thuật hoặc lao động chưa qua đào tạo.    

Hệ lụy sẽ khôn lường khi lao động phổ thông Trung Quốc đang ồ ạt vào các nhà máy nhiệt điện.

Bất ổn...

Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, số lao động Trung Quốc làm việc trong quá trình thi công xây dựng các dự án thầu tại Việt Nam thường rất lớn.

Tuy nhiên, các nhà thầu không đủ điều kiện bố trí nơi ở tập trung nên đã thuê nhà dân hoặc công nhân phải ở ngay công trường trong điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh và không bảo đảm an toàn. Mặt khác, ý thức kỷ luật của lao động Trung Quốc kém, gây mất an ninh trật tự địa phương như: trộm cắp, say rượu, tranh chấp công việc... Một số lao động Trung Quốc lấy vợ Việt Nam nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Điều này hoàn toàn trùng khớp với đánh giá của Bộ Khoa học và Đầu tư về việc vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh và quản lý lao động của các nhà thầu Trung Quốc.

Theo đó, phần lớn các nhà thầu Trung Quốc đều đưa công nhân lao động phổ thông từ Trung Quốc vào Việt Nam (như dự án nhiệt điện Hải Phòng có lúc có đến 900 lao động Trung Quốc làm việc) nhưng đều không đúng mục đích, chủ yếu theo con đường du lịch, thương mại, sau đó chuyển đổi mục đích và gia hạn khi hết hạn tạm trú.

Đáng nói hơn, ở năm tỉnh ven biển (Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận) số lao động Trung Quốc chiếm tới cả ngàn người, nhưng có đến gần 50\% là không có giấy phép lao động.

Dẫn lời ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội): "Luật pháp về lao động tại Việt Nam, trong đó có Nghị định 102 mới được ban hành và Thông tư 03 hướng dẫn nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3/2014, tiếp tục khẳng định: Việt Nam chỉ tuyển dụng các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Các quy định cho đến nay luôn nhất quán Việt Nam không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc, kể cả các công việc cần chuyên gia, giám đốc điều hành hay lao động kỹ thuật, nếu người Việt Nam có thể đáp ứng được thì cũng phải tuyển lao động Việt Nam".

Trả lời cho câu hỏi của PV về trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, theo ông Trung: “Việc xử lý lao động nước ngoài “chui” gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và việc rà soát đầu vào lại thuộc về cơ quan xuất nhập cảnh và ngành Công an. Khi người nước ngoài vào Việt Nam, họ có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu, do đó, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan, sự theo dõi sát sao của các địa phương thì rất khó cho việc quản lý họ”.

“Trong Thông tư 03 đã ghi rõ quy trình, trách nhiệm của các sở LĐ-TB&XH, trách nhiệm của chủ tịch tỉnh. Chủ tịch tỉnh chấp thuận việc sử dụng lao động nước ngoài của các chủ đầu tư, nhà thầu, chỉ đạo các cơ quan cung ứng lao động cho các nhà thầu, chủ đầu tư, tăng cường quản lý lao động trên địa bàn. Các sở lao động cấp giấy phép lao động, sau đó thông báo với cơ quan công an về những trường hợp lao động nước ngoài được cấp phép để cùng phối hợp quản lý”, ông Trung nói.

Có thể nhận thấy, hệ lụy của lao động nước ngoài làm việc “chui” ở Việt Nam là điều không khó nhận ra. Bên cạnh việc gây mất trật tự an ninh xã hội, làm nảy sinh tệ nạn xã hội còn dẫn tới hệ quả là đẩy hàng nghìn, hàng trăm lao động trong nước rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm.

“Các nhà thầu không làm hồ sơ xin cấp phép cho lao động nước ngoài để trốn lệ phí và thuế thu nhập cá nhân. Có những trường hợp còn đưa cả người chưa đủ độ tuổi lao động hoặc không đủ sức khỏe sang Việt Nam làm việc...”.

(Đại diện Bộ Khoa học và Đầu tư cho biết)

“Các nhà đầu tư của Trung Quốc luôn nhận được những hỗ trợ điều kiện cần thiết từ các cấp và các cơ quan chức năng của mình để đạt được mục tiêu đầu tư vào Việt Nam giải quyết việc làm lao động, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp cho nền kinh tế của đất nước Trung Quốc”.

(PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam)

Tin nổi bật