Theo CNT, mặc dù áp dụng chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, ăn cực ít trong 2 năm nhưng cô Liễu (hơn 20 tuổi, ở Đài Loan, Trung Quốc) vẫn tăng tới 10kg và bị phù nề ở bàn chân. Không hiểu vì sao bản thân lại tăng cân, cô Liễu đã đến bệnh viện thăm khám.
Sau khi hỏi về chế độ ăn kiêng của cô Liễu, bác sĩ dinh dưỡng Trần Vinh Kiên lập tức hiểu vì sao cô không thể giảm cân dù kiên trì ăn kiêng. Hóa ra, cô Liễu thích ăn cơm, mì và trái cây, ngoài ra còn có thói quen thức khuya. Mặc dù chế độ ăn uống của cô không có thịt, đồ béo, đồ chiên rán hay nước ngọt nhưng lại quá nhiều tinh bột.
Tuy nhiên, cô Liễu vẫn cho rằng những đồ mình ăn đều là đồ chay và bổ dưỡng, khiến bác sĩ phải lắc đầu thở dài. Sau đó, bác sĩ đã giải thích rõ mặt lợi và hại trong chế độ ăn uống, giúp cô gái nhận thức được sai lầm của mình.
Bác sĩ Trần chia sẻ, ba loại thực phẩm cô Liễu thường ăn chứa nhiều carbohydrate, nếu ăn quá nhiều thì chắc chắn sẽ gây tăng cân. Cô Liễu thường xuyên thức khuya để học bài và làm việc, dẫn tới suy giáp, protein thấp, không đủ sắt, khiến cơ thể trao đổi chất kém đi, bị rối loạn.
Nói cách khác, cô gái trẻ ăn uống không đúng cách, làm việc và nghỉ ngơi không điều độ nên mới bị tăng cân nhanh. Theo khuyến nghị của bác sĩ, cô Liễu đã thay đổi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi của mình. Chỉ sau 1 năm, cô đã giảm được 20kg, trở về mức cân nặng 60kg.
Cô gái tăng 10kg dù áp dụng chế độ ăn kiêng trong 2 năm. Ảnh minh họa
Nhân trường hợp nói trên, bác sĩ Trần nhắc nhở mọi người giảm cân là ăn uống các thực phẩm phù hợp, kết hợp với việc tập luyện thường xuyên. Để giảm cân hiệu quả, bạn lưu ý tránh một số sai lầm sau:
Nhịn ăn, bỏ bữa
Cơ thể mất đi khối cơ, mất nước và tăng các rủi ro sức khỏe nếu bạn áp dụng chế độ ăn quá ít năng lượng. Nếu bạn ăn dưới 800 kcal/ngày, cơ thể sẽ bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh thời tiết như cảm cúm, nhiễm trùng, tiêu hóa, viêm loét dạ dày. Nhịn đói trong thời gian dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tăng chất xeton gây bất lợi cho cơ thể.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ CKII Dương Thị Kim Loan - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống nhất TP.HCM cho hay, việc kiêng hoàn toàn tinh bột cũng không phải phương kháp khoa học.
Khi cơ thể hấp thụ ít tinh bột, gan sẽ sử dụng chất dự trữ để chuyển hóa thành đường cung cấp năng lượng cho cơ thể. Quá trình gan lấy glycogen chuyển hóa thành đường sẽ tạo ra chất xeton gây hại cho não, lúc này gan sẽ rất mệt mỏi.
Lưu ý, người bị gan nhiễm mỡ hoặc có bệnh lý về gan không nên áp dụng chế độ ăn cắt hoàn toàn tinh bột. Việc áp dụng chế độ ăn low-carb vẫn có thể thực hiện nhưng chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn dưới sự theo dõi của chuyên gia.
Vừa ăn vừa làm việc riêng
Khi bạn vừa ăn vừa làm việc riêng, nhâm nhi thức ăn để xem Youtube…, cơ thể sẽ ăn không đúng định lượng, dẫn đến cơ thể dư thừa năng lượng không cần thiết nhưng lại không đủ chất cần thiết. Việc vừa ăn vừa xem phim hoặc ngồi ăn quá lâu cũng dễ khiến bụng tích mỡ.
Tập thể thao quá sức
Bác sĩ Loan chia sẻ, tập thể thao quá sức tạo áp lực lên cơ thể, gây hao mòn quá mức, nguy cơ chấn thương, mất nước, rối loạn điện giải và cuối cùng là phản ứng ăn bù, ăn nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là bởi khi hoạt động với cường độ cao, cơ thể tăng nhu cầu năng lượng, dẫn đến ăn nhiều hơn để bù đắp phần năng lượng hao hụt.
Tốt nhất bạn nên tập luyện vừa đủ, trung bình 30-45 phút mỗi ngày, tùy theo thể trạng, sức khỏe của từng người.
Theo bác sĩ Loan, xét dưới góc độ dinh dưỡng, việc tăng cường các loại nước uống có tính axit như chanh để giảm cân cũng không hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng chanh giúp ức chế hấp thu chất dinh dưỡng giúp giảm cân nhưng bác sĩ Loan cho hay, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Đinh Kim (T/h)