Theo ghi nhận các bãi tập kết cát, sỏi có diện tích hàng trăm m², chiều cao lên tới cả chục mét, chạy dọc theo ven bờ sông Cầu đang hoạt động mà chưa được cấp phép tại xã Thái Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Gần đây, tòa soạn PL&DS liên tục nhận được thông tin từ người dân địa bàn xã Thái Sơn phản ánh về việc các bãi tập kết cát, sỏi dọc bãi bồi ven sông Cầu (xã Thái Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Cụ thể, theo nội dung phản ánh của người dân các bãi tập kết cát, sỏi dọc ven sông Cầu là của một người tên Dũng. Cũng theo người dân trước đây người tên Dũng này khai thác rồi tập kết chủ yếu ở phía ven bờ bên Thái Nguyên (bờ sông đối diện – PV). Nhưng vài năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ cát, sỏi của Bắc Giang khá cao, để vận chuyển thuận tiện thì đơn vị khai thác đã tập kết ở ven sông thuộc địa bàn xã Thái Sơn.
Thực tế địa bàn, qua quan sát chúng tôi nhận thấy các bãi tập kết này có diện tích hàng trăm m², chiều cao lên tới cả chục mét, chạy dọc theo ven bờ sông Cầu. Đặc biệt, các bãi này hầu hết là gần các bến đò nơi người dân đi lại qua sông.
Theo một người dân (xin được giấu tên) cho biết: “Hàng ngày xe tải chở cát, sỏi chạy ầm ầm bất kể ngày đêm, làm ảnh hưởng tới giao thông, cuộc sống của người dân. Đặc biệt các xe có trọng tải lớn đã làm cho các tuyến đường dần bị xuống cấp, hư hỏng”.
Các bãi tập kết cát có diện tích hàng trăm m², chiều cao lên tới cả chục mét |
Theo quan sát, trên sông đang có rất nhiều tàu cát đang cùng nhau hoạt động, sà lan neo đậu đang chờ lượt vào bến, vận chuyển lên bờ, máy móc sàng lọc, rửa cát...bãi tập kết như một đại công trường.
PL&DS đã liên hệ làm việc với UBND xã Thái Sơn. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Xuân Hạ - Phó chủ tịch UBND xã Thái Sơn xác nhận: “Toàn bộ các bãi tập kết đó là của anh Dũng hay mọi người hay gọi là Dũng "K cơ". Anh Dũng này cũng đang đi xin cấp phép.
Về phía UBND xã thì cũng đã làm tờ trình để gửi UBND huyện. Hồ sơ đến lúc này theo tôi biết đã gửi lên UBND tỉnh. Năm ngoái (năm 2018-PV) đã có đoàn kiểm tra của tỉnh xuống để đo đạc, kiểm tra. Nhưng còn khi nào cấp phép thì do tỉnh quyết định”.
Ngoài ra, ông Hạ cũng cho biết các bãi tập kết này đã có mấy năm nay, còn việc xử phạt thì thẩm quyền thuộc UBND huyện và UBND tỉnh.
“Chắc là có phạt chứ, vì năm ngoái có đoàn thanh kiểm tra tôi là người dẫn họ đi. Nhưng phạt như thế nào là do tỉnh với huyện, tôi không rõ”, ông Hạ cho biết.
Theo xác nhận của ông PCT UBND xã Thái Sơn thì toàn bộ các bãi tập kết cát, sỏi hiện vẫn đang "đi xin cấp phép". |
Như vậy, các nội dung mà người dân đã phản ánh tới cơ quan báo chí là hoàn toàn có cơ sở. Điều bất ngờ là dường như chính quyền địa phương đang “đứng ngoài” đối với các vấn đề sai phạm của đơn vị.
Việc ông PCT UBND xã Thái Sơn trả lời rằng “UBND xã đã có tờ trình lên huyện” có hay không là để làm cho xong “trách nhiệm” còn việc xử phạt đơn vị vi phạm lại “không biết vì là thẩm quyền của huyện và tỉnh”.
Hơn thế việc vi phạm đã tồn tại mấy năm, những hệ lụy đối với địa phương, nhân dân là không hề nhỏ. Vậy việc quản lý địa bàn của UBND xã Thái Sơn đang ở đâu?
Việc những núi cát, sỏi khổng lồ nằm chềnh ềnh trên các bãi bồi đã đúng với quy định về phạm vi bảo vệ đê điều hay chưa?
Một đơn vị có thể ngang nhiên hoạt động ngoài vòng pháp luật như vậy có đủ tiêu chuẩn để các cơ quan nhà nước xem xét cấp phép hay không?
UBND huyện Hiệp Hòa cùng các đơn vị liên quan sẽ có câu trả lời như thế nào?
Pháp luật & Dân sinh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Điều 23 Luật Đê điều 1992, sửa đổi bổ sung 2001 về Phạm vi bảo vệ đê điều quy định: Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển; b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa. Điều 7, Luật Đê điều 1992, sửa đổi bổ sung 2001 về Các hành vi bị nghiêm cấm quy định: Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. |
Nguồn: Pháp luật & dân sinh