Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đang điều trị cho một nam bệnh nhân ở tỉnh Bắc Giang vào cấp cứu, nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Gần 1 tuần trước khi nhập viện, nhà hàng xóm có lợn ốm chết, bệnh nhân tham gia mổ lợn để lấy thịt cho cá ăn. Hai ngày sau đó ông bất ngờ bị sốt và rối loạn ý thức nặng, được đưa tới cơ sở y tế gần nhà cấp cứu.
Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, ông vẫn sốt cao, rối loạn ý thức, rơi vào hôn mê, có xuất huyết tại tay và chân. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín (ảnh minh họa)
Sau 4 ngày điều trị tích cực ông được rút ống nội khí quản, tỉnh táo nhưng ý thức chưa trở lại bình thường. Theo bác sĩ điều trị, nếu sức khỏe tiến triển tốt khoảng 10 ngày nữa ông mới có thể xuất viện.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua… Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.
Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp bị nặng ngay từ ban đầu.
Với liên cầu lợn nếu phát hiện sớm, điều trị sớm việc điều trị không quá phức tạp và tiên lượng tốt. Tuy nhiên, nếu đến viện muộn, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc, việc điều trị sẽ rất phức tạp, chi phí lớn. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ cao đối mặt với những di chứng kéo dài.
Theo các chuyên gia bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa Hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt.
Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Nông Thảo Ly (T/h)