Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác bỏ thông tin VN đưa người nhái ra khu vực giàn khoan

(DS&PL) -

(ĐSPL)- "Trung Quốc đưa thông tin Việt Nam sử dụng nhiều người nhái, nhiều lưới và các vật trôi nổi gây khó khăn cho tàu Trung Quốc, tôi bác bỏ thông tin trên"- Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu khẳng định.

(ĐSPL)- "Trung Quốc đưa thông tin Việt Nam sử dụng nhiều người nhái, nhiều lưới và các vật trôi nổi gây khó khăn cho tàu Trung Quốc, tôi bác bỏ thông tin trên"- Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu khẳng định.
Chiều 16/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế để tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí trong nước và quốc tế về tình hình Biển Đông. Buổi họp báo diễn ra vào lúc 17h ngày 16/6, tại Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, Hà Nội) .
Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế  và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu khai mạc họp báo.
Chủ trì họp báo có ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp mọi nỗ lực kiềm chế, hòa bình của phía Việt Nam, cũng như sự lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Theo ông Lê Hải Bình, thời gian qua, Trung Quốc vẫn không ngừng gây hấn, đánh đập ngư dân Việt Nam.
Trên thực địa, các tàu của Trung Quốc vẫn không ngừng gây hấn, chủ động đâm va, phun vòi rồng, cố tình đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang hoạt động trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, bắt giữ và đánh đập ngư dân Việt Nam…
Đặc biệt, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng mở rộng một số công trình thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, liên tục đưa ra luận điệu sai trái, rêu rao lập luận về chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa, mà thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo để phản bác luận điệu sai trái của Trung Quốc, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình thực địa xung quanh khu vực giàn khoan.
Ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia: Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận cấp cao của hai nước. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối hành vi của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải.
Trung Quốc đã lớn tiếng vu vạ cho Việt Nam chủ động tấn công và đâm vào tàu Trung Quốc, nhưng sự thật thế nào thì tất cả chúng ta và cả dư luận quốc tế đều đã thấy rõ.
Về yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa: Việt Nam bác bỏ yêu sách này vì Trung Quốc không có tư liệu cũng như căn cứ lịch sử. Các tư liệu lịch sử của Trung Quốc đưa ra không có nguồn gốc rõ ràng, được diễn giải một cách phi lý, đó không phải là những tư liệu chính thống của nhà nước Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam đã công khai các bằng chứng xác thực cho thấy Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi nó còn là vô chủ.
Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Hải giới thiệu 2 video giới thiệu về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ông Hải cho biết, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hòa bình và đàm phán việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nhưng Trung Quốc đã cư xử không có tính xây dựng. Việt Nam đã nhiều lần nỗ lực liên lạc, ngoại giao, yêu cầu đàm phán, tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc các cấp với Trung Quốc những Trung Quốc từ chối đàm phán thực chất.
Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra các bằng chứng, sự thực nào về những luận điệu sai trái và vu cáo cho Việt Nam, trong khi đó Việt Nam đã đưa ra những hình ảnh cụ thể về việc Trung Quốc chủ động đâm va vào tàu Việt Nam tấn công tàu ngư dân VN.
Nguyên nhân chính gây ra sự việc này là do Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, dù Việt Nam nỗ lực giải quyết hòa bình nhưng Trung Quốc không hợp tác, vì vậy việc Trung Quốc nói rằng cánh cửa đàm phán đang rộng mở là không đúng.
Về việc Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, ông Hải cho biết, Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa.
Năm 1956 Trung Quốc chiếm phía đông Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối. Năm 1959 phía Trung Quốc định cho quân giả dạng ngư dân đổ bộ nhưng đã bị đập tan bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hơn 80 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt.
Năm 1974, lợi dụng chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực thôn tính Hoàng Sa. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp.
Dùng vũ lực thôn tính không thể đưa lại chủ quyền cho Trung Quốc. Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc xuyên tạc thực chất không hề đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ ủng hộ Trung Quốc mở rộng vùng lãnh hải từ 3 lên 12 hải lý.
Là một bên ký kết Hiệp định 1954, Trung Quốc rõ ràng hiểu được Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Nhà nước Việt Nam sau khi thống nhất đã xác định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Nguyễn Quốc Thập.
Trong hơn 40 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã triển khai bình thường các hoạt động khai thác dầu khí ở vùng biển của Việt Nam, Tập đoàn cũng đã, đang và sẽ hợp tác với các tập đoàn dầu khí quốc tế để tiếp tục khai thác thăm dò dầu khí. Cho đến nay, chúng ta đã kí kết hơn 100 hợp đồng khai thác và thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục phản đối hành động sai trái của Trung Quốc: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định, Trung Quốc đã dựa vào yêu sách đường lưỡi bò là hết sức phi lý để nói rằng 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp. Trung Quốc đã chủ ý biến các vùng biển không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc và yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc cho rút ngay giàn khoan và dừng mọi hoạt động khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam:
Về tình hình trên thực địa khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép: Ngày 27/5, giàn khoan của Trung Quốc di chuyển di chuyển đến vị trí mới. Những ngày đầu tháng 6, giàn khoan có điều chỉnh nhẹ và hiện nay giàn khoan đang ổn định tác nghiệp.
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng CSB Việt Nam.
Thông tin mới nhất vào ngày 15/6, Trung Quốc sử dụng 110 tàu bảo vệ giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa sổ hiệu 534 và 537, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 34 tàu hải cảnh, 33 tàu các các loại…
Cũng trong ngày 15/6, lực lượng tển biển của Việt Nam 2 lần máy bay trinh sát của Trung Quốc bay trinh sát quanh khu vực giàn khoan.
Sáng ngày 15/6, TQ sử dụng tàu hải cảnh và tàu kéo tiến hành ngăn cản tàu thực thi pháp luật của VN ở khu vực cách giàn khoan 8,2-10 hải lý.
Về phương thức hoạt động, TQ không thay đổi, vẫn sử dụng nhóm tàu từ 10-15 chiếc, tiến hành áp hai bên mạn, chặn đầu, chặn đuôi, không cho tàu VN tiếp cận giàn khoan. TQ tiếp tục sử dụng máy phát tần số âm thanh, hú còi, sử dụng đèn pha làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần các thuyền viên trên tàu VN.
Đối với lực lượng thực thi pháp luật củaVN, dù sóng gió lớn nhưng chúng ta vẫn tiếp tục bám hiện trường, tiến hành đấu tranh với các hành vi sai trái của TQ.
Một số vấn đề liên quan đến tình hình thực địa: Trong cuộc họp báo vừa qua, TQ đã đưa ra 1 số thông tin sai lệch về tình hình trên hiện trường giàn khoan. Việc TQ cho rằng các tàu VN tiến hành đâm húc 1.547 lần khiến tàu TQ hư hỏng, chúng tôi bác bỏ thông tin phi lý trên, thực tế tàu TQ đã nhiều lần đâm va khiến nhiều tàu thực thi pháp luật của VN bị hư hỏng, trong đó có 17 tàu kiểm ngư, 7 tàu cảnh sát biển, 7 tàu cá. Đặc biệt, 1 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng còn bị TQ đâm chìm.
Về việc TQ vu khống VN cử nhiều người nhái, sử dụng lưới đánh cá, tuy nhiên, chúng tôi khẳng định cho tới nay, VN không hề sử dụng người nhái.
Còn về lưới đánh cá, vì đây là vùng đặc quyền kinh tế của VN, khi tàu của VN bị TQ đâm va thì họ đã chủ động vòng tránh, bỏ lại lưới nên TQ đã thu những lưới đánh cá này. Về các vật trôi nổi TQ cho là VN sử dụng, thực chất không đúng, vì đó đều là những vật do TQ sử dụng vòi ròng phun làm hư hỏng các thiết bị trên tàu của lực lượng thực thi pháp luật của VN.
VN đã ghi lại được tất cả những hình ảnh làm bằng chứng. VN cho đến nay vẫn không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, đó là phương châm nhất quán của VN trên biển.
Ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư:
Sau khi phát hiện TQ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển VN, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển đã dùng các biện pháp tuyên truyền, nhưng TQ vẫn sử dụng một lực lớn tàu nhằm ngăn cản, đâm va các tàu VN. Phía TQ vẫn còn sử dụng các phương thức như tạo ra các tư liệu giả để vu cáo tàu VN đâm tàu TQ, nhưng chúng tôi có đầy đủ tư liệu khẳng định rằng VN không hề chủ động đâm va tàu TQ. Đến nay, có 23 tàu kiểm ngư bị TQ đâm hư hỏng, 15 kiểm ngư viên bị thương.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê.
TQ huy động nhiều tàu cá vỏ sắt ra hiện trường, không nhằm mục đích đánh bắt cá mà hỗ trợ các tàu kéo, tàu hải cảnh gây hấn, đâm va tàu VN.
Tính từ 1/5 đến nay, có đến hàng trăm lần tàu cá VN bị TQ xua đuổi, uy hiếp, có 17 tàu cá bị TQ đâm hư hại, hàng chục ngư dân bị thương, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.
TQ cho rằng tàu VN tự đâm vào tàu cá TQ và bị lật, tàu TQ định vào cứu thì bị tàu cá VN ngăn cản. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, vì trên thực tế, các tàu cá của VN liên tiếp bị các tàu cá của TQ bao vây, truy đuổi, uy hiếp. Các tàu cá TQ còn có hành động ngăn cản các tàu VN tham gia cứu hộ, cứu nạn các tàu cá bị đâm chìm.
Trên thực địa, lực lượng kiểm ngư vẫn chủ động, kiềm chế nhưng kiên quyết đấu tranh, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ ngư trường và ngư dân.
Bằng chứng là 1 clip do lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cung cấp.
Hãng truyền hình của Nhật: Trong những ngày vừa qua, bằng hình ảnh và clip, TQ đã ra bằng chứng tàu VN đâm tàu TQ? Ông bình luận gì? Có hay không việc VN cử đặc công, người nhái đến khu vực giàn khoan? Ông có thể khẳng định lại việc này?
Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi chưa được xem clip do Trung Quốc công bố trong ngày 13/6 vừa qua. Trong buổi họp báo đó, TQ đã cho rằng tàu thực thi pháp luật của VN đâm tàu TQ 1.547 lần, đó là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Trên thực địa, chỉ có tàu TQ đâm va, áp sát và tấn công tàu VN. Hình ảnh mà TQ đưa ra là do tàu TQ chủ động đâm vào tàu của VN.
Vừa qua, trong buổi họp báo, TQ đưa ra thông tin VN sử dụng nhiều người nhái, sử dụng nhiều lưới và các vật trôi nổi gây khó khăn cho tàu TQ, tôi bác bỏ thông tin trên. Cho đến nay, VN hoàn toàn chưa sử dụng người nhái. Còn lưới là do của ngư dân VN đánh bắt ở khu vực đó bị tàu TQ tấn công nên ngư dân VN buộc phải bỏ lại lưới, và TQ vớt được. Một số vật trôi nổi mà TQ vớt được là các thiết bị trên tàu của VN bị vòi rồng công suất lớn của TQ phun vào làm văng xuống nước.
Báo Tiền Phong: Việc TQ nói rằng VN cáo buộc TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 là sai? Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia có bình luận gì?
Ông Trần Duy Hải: Cáo buộc trên của TQ là hoàn toàn sai sự thật, xuyên tạc và bóp méo sự thật.
Báo Người Lao Động: Trước những bằng chứng về chủ quyền của VN ở Trường Sa, Hoàng Sa, những bằng chứng ấy có thể giúp VN trong việc đòi chủ quyền với TQ hay không?
Ông Trần Duy Hải: Chúng tôi đã giới thiệu clip về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Trường sa và Hoàng Sa. Đây là những văn bản của nhà nước nên nó hoàn toàn mang tính pháp lý.
Báo VnExpress: Trước việc TQ nói rằng tàu cá VN ngăn cản các tàu của TQ, đại diện Cục Kiểm ngư bình luận gì về điều này?
Ông Hà Lê: Như chúng ta đều biết, từ bao đời nay Hoàng Sa đã là ngư trường truyền thống của VN, và ngư dân khai thác tại đây là điều hoàn toàn bình thường. Tôi không hiểu việc TQ vu cáo cho tàu cá VN đâm tàu TQ là như thế nào, bởi TQ huy động rất nhiều tàu lớn, còn tàu cá của VN là những tàu gỗ nhỏ, chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh bắt, khai thác trên biển. Bởi vậy, điều mà TQ vu cáo là hoàn toàn vô lý, tàu cá VN chưa bao giờ ngăn cản tàu TQ dù TQ đang hoạt động trái phép.
VOV: Thời gian gần đây, một số nhà ngoại giao khu vực đề xuất các nước ASEAN cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn đói với TQ. Hôm nay ngoại trưởng Philippines cũng yêu cầu ASEAN cần cứng rắn hơn đối với TQ. Vậy VN mong đợi gì trong việc Asean ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông?
Ông Trần Duy Hải: VN có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa. VN ủng hộ nỗ lực của ASEAN nói chung về việc duy trì ổn định trên biển Đông, ngăn cản hành động sai trái của TQ trên Biển Đông.
Hãng tin AP: Cho đến nay, các nước có lo ngại gì khi kí kết hợp đồng khai thác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN hay không? Nếu có chúng ta phải làm gì?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Trước việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan 981, sau đó TQ tuyên bố trái phép có 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp, chúng ta đã tiến hành gặp gỡ tất cả các công ty dầu khí lớn của Mỹ, Nga, Ấn Độ, Canada… Tại các cuộc trao đổi này, chúng tôi nhận được tín hiệu rất tốt. Đại  iện của các công ty đều chia sẻ và ủng hộ lập trường của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và chính phủ VN. Họ khẳng định hoạt động dầu khí này là hoàn toàn hợp pháp nên họ sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng kí kết, khai thác với tập đoàn dầu khí VN.
Báo Lao động: TQ nói rằng Pháp đã từng thừa nhận chủ quyền của TQ đối với Tây Sa? Sự thực việc này là như thế nào?
Ông Trần Duy Hải: Tôi khẳng định ý kiến đó là hoàn toàn bịa đặt, bởi sau khi Pháp vào VN, thay mặt chính quyền VN, Pháp đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của TQ đối với quần đảo Trường Sa, đề nghị TQ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế những TQ đã từ chối. Pháp luôn phản đối mọi hành động và âm mưu của TQ.
Vietnamnet: TQ đang mở rộng xây dựng 1 số công trình trên đảo đá của VN? Phản ứng của VN trước việc này?
Ông Lê Hải Bình: VN có đầy đủ căn ức pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Trường Sa. Mới đây, cơ quan chức năng VN cho biết TQ đã tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép các công trình trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi cực lực phản đối và yêu cầu TQ dừng ngay mọi hoạt động mở rộng và xây dựng các công trình trái phép ở Trường Sa, almf thay đổi hiện trạng ở Hoàng Sa.

Tin nổi bật