Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tướng Lê Mã Lương: "TQ không nghĩ VN phản ứng mạnh mẽ đến thế!"

(DS&PL) -

(ĐSPL) – "Trung Quốc không nghĩ rằng Việt Nam lại có một phản ứng mạnh mẽ đến như vậy. Tôi cho rằng đây là một thắng lợi lớn của chúng ta", tướng Lê Mã Lương nhận định.

(ĐSPL)- "Trung Quốc không nghĩ rằng Việt Nam lại có một phản ứng mạnh mẽ đến như vậy. Tôi cho rằng đây là một thắng lợi lớn của chúng ta", tướng Lê Mã Lương nhận định.

Hơn một tháng qua, trước liên tiếp những hành động gây hấn, đâm va, chèn ép mà TQ thực hiện trên Biển Đông, các lực lượng thực thi pháp luật của VN vẫn luôn kiên trì mọi biện pháp hòa bình.

“Có thể nói, đó là sự chiến thắng của Việt Nam trước Trung Quốc, chúng ta đã chiến thắng Trung Quốc về sự kiên trì, điều đó dù không khiến Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng đã dấy lên được hiệu ứng mạnh mẽ trước cộng đồng dư luận quốc tế” - Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, Việt Nam đã thắng Trung Quốc về sự kiên trì.

Thưa Thiếu tướng, đã có nhiều lời giải và đáp số chung nhất là Trung Quốc đang thực hiện từng bước trong chiến lược độc chiếm biển Đông. Giàn khoan Hải Dương 981 là phép thử để đo lường phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế, ông có đồng tình với nhận định này?

Cho đến bây giờ có thể nói là Việt Nam đã thắng Trung Quốc về sự kiên trì, vì mục tiêu của Trung Quốc không phải là đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến để thăm dò dầu khí mà chính là để dò phản ứng của Việt Nam nói riêng và phản ứng của dư luận quốc tế nói chung.

Trung Quốc không nghĩ rằng nhân dân Việt Nam lại có một phản ứng mạnh mẽ đến như vậy. Tôi cho rằng đây là một thắng lợi lớn của chúng ta. Lâu lắm rồi mới thấy được lòng dân thể hiện mạnh mẽ đối với tình yêu biển đảo và tình yêu đất nước như thế.

Cho nên dù Trung Quốc có dùng hết thủ đoạn này đến thủ đoạn kia, kể cả những thủ đoạn bỉ ối nhất là đánh lừa công luận và nói xấu Việt Nam trước dư luận quốc tế thì cũng không ai tin. Bởi lẽ, chẳng ai có thể tin một nước lớn lại bị nước nhỏ chèn ép, tấn công, chuyện đó là không thể có. Trung Quốc càng tuyên truyền, càng nói không đúng sự thật thì hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế càng bị xấu đi.

Các nước trong khu vực cũng như các nước láng giềng sẽ phải cảnh giác với Trung Quốc hơn. Đây cũng là cơ hội để người ta đánh giá lại quan hệ đối với Trung Quốc một cách toàn diện để không sa vào quỹ đạo của Trung Quốc, không trở thanh nô lệ của Trung Quốc.

Không ít ý kiến cho rằng, việc hạ đặt giàn khoan không đơn giản như là phép thử hay đi kiếm dầu, mà là một kế sách rất thâm độc của Trung Quốc. Đã có vài ý kiến tỉnh táo, đề nghị cảnh giác Trung Quốc dùng kế “dương đông kích tây” trong vụ này. Trung Quốc đã triển khai xây dựng các căn cứ quân sự trên bãi đá ngầm Gạc Ma và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm năm 1988. Điều này nguy hiểm như thế nào thưa ông?

Điều này cực kỳ nguy hiểm. Nó cho thấy Trung Quốc càng ngày càng tăng sức mạnh quân sự trên các đảo đá để đe dọa chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc củng cố sức mạnh như thế để tạo ra bàn đạp biến toàn bộ Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, xa hơn, vấn đề không phải ở một số đảo của Việt Nam mà nó vươn tầm lớn hơn là tạo ra ảnh hưởng và khống chế được cửa biển Malacca, một cửa biển ra Thái Bình Dương hết sức quan trọng. Cửa biển ấy là giao lưu về mặt thương mại, có tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc.

Ý đồ của Trung Quốc là vậy nhưng họ có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác, bởi bây giờ không còn giống như trước kia, đã không còn chuyện các nước lớn phân chia nhau và khống chế các nước nhỏ. Trong một thế giới phẳng, trong một mối quan hệ đan xen như thế này thì không phải các nước lớn muốn làm gì thì làm.

Các nước lớn muốn thể hiện vai trò lãnh đạo thì phải luôn thể hiện được “tầm” và nhãn quan chiến lược, làm sao để các nước nhìn vào và tin tưởng vào các nước lớn ấy chứ không phải sợ họ. Các nước lớn ấy cũng phải làm sao xây dựng được hình ảnh hòa bình, hòa hợp với các nước trên thế giới.

Nếu không làm được những điều ấy, tôi dám chắc rằng, Trung Quốc sẽ càng ngày càng bị cô lập.

Trước liên tiếp những hành động gây hấn, đâm va, chèn ép mà TQ thực hiện trên Biển Đông, các lực lượng thực thi pháp luật của VN vẫn luôn kiên trì moi biện pháp hòa bình.

Để kiểm soát và đi đến độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc cần chuẩn bị các căn cứ quân sự chiến lược trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Thiếu tướng, điều này không chỉ là mối đe dọa với Việt Nam mà còn là đe dọa đối với các quốc gia khác trong khu vực?

Đúng là việc này không chỉ nguy hiểm đối với Việt Nam hay Philippines mà nó còn là mối đe dọa cho cả các nước trong khối ASEAN và cả khu vực Châu Á.

Nếu 2 vùng biển này liên tục dậy sóng như thế thì sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của khu vực Châu Á. Nó sẽ dẫn đến tiêu cực và kìm hãm nền kinh tế.

Các nước sẽ phải lo đối phó với Trung Quốc bằng cách mua sắm các trang thiết bị quân sự. Các trang thiết bị ấy càng hiện đại bao nhiêu thì càng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế bấy nhiêu.

Theo ông, để giải nước cờ thâm hiểm của Trung Quốc, chúng ta phải làm gì? Sức mạnh lớn nhất của Việt Nam là gì?

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có sự đồng thuận cao, phải thể hiện ý chí quyết tâm bằng mọi cách bảo vệ độc lập, chủ quyền, tự tôn dân tộc.

Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam không ít lần phải đối phó với những khó khăn thử thách to lớn, nhưng chưa từng bị khuất phục. Lòng yêu nước nồng nàn của 90 triệu người dân chính là sức mạnh vô song.

Xin cảm ơn ông!

Tin nổi bật