(ĐSPL) - Trong một bài xã luận, Nhân dân Nhật báo nói rằng ban lãnh đạo mới của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn còn đối mặt với 3 "trận chiến" trong thập kỷ tới.
Đáng nói là Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc - lại viết rằng trọng tâm của "trận chiến" thứ ba là Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc sẽ không lùi bước trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
|
Trận chiến đầu tiên là Hội nghị lần thứ 4 sắp tới Ủy ban trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới. |
Báo mạng WantChinaTimes số ra ngày 7/8 dẫn lời Nhân dân Nhật báo viết: Ngoài việc đưa cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang ra xét xử, ban lãnh đạo dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình còn phải dọn sạch những tàn tích ảnh hưởng của ông Chu ở Tứ Xuyên (nơi ông từng làm Bí thư tỉnh ủy) cũng như ở Ủy ban Chính Pháp Trung ương (nơi ông Chu từng kiểm soát Lực lượng cảnh sát vũ trang trên cương vị thủ trưởng). Tuy nhiên, Tập Cận Bình và bộ máy lãnh đạo của ông đã giành được chiến thắng đầu tiên, sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 tổ chức hồi tháng 11/2012.
Tuy nhiên, bài bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo viết về lâu dài, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn còn 3 trận chiến lớn nữa.
Trận chiến đầu tiên là Hội nghị lần thứ 4 sắp tới Ủy ban trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới, với chủ đề trọng tâm là "cai trị đất nước theo pháp luật”. Hội nghị lần thứ 4 của mỗi kỳ Đại hội toàn quốc có truyền thống tập trung vào việc xây dựng đảng và cải cách pháp lý thường được để dành cho năm sau. Tuy nhiên, vấn đề cải cách pháp lý sẽ được đưa ra tại hội nghị lần này do chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tập, trong trong đó ông tuyên bố sẽ trừng trị tất cả các quan chức tham nhũng, bất kể là "ruồi" hay “ hổ".
Nhân dân Nhật báo cho biết cai trị đất nước bằng pháp luật không chỉ đòi hỏi phải tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. ĐCS Trung Quốc hiện đang tìm cách tăng cường giám sát cán bộ cấp cơ sở để loại bỏ những mầm mống tham nhũng và đã bắt đầu trấn áp các doanh nghiệp nước ngoài can tội hối lộ và vi phạm luật cạnh tranh ở Trung Quốc.
Trung Quốc không thiếu các văn bản pháp luật, nhưng lại thiếu các biện pháp thực thi. Do đó, trọng tâm của Hội nghị lần thứ 4 của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 sắp tới có khả năng sẽ tập trung bàn về các biện pháp thực thi pháp luật, phòng chống và trừng phạt tham nhũng.
Trận chiến lớn thứ hai mà ban lãnh đạo Trung Quốc mới phải đối mặt là kinh tế và đặc biệt là làm thế nào để phát triển một nền kinh tế thị trường hiệu quả với phân bổ nguồn lực tối ưu. Trung Quốc cũng nhận thức được rằng không thể chỉ đơn giản mở cửa tất cả các lĩnh vực cho cơ chế thị trường bởi vì không phải tất cả các cơ chế thị trường đều tốt và đảng cần đánh giá các quyết định thị trường dựa trên tính hiệu quả, năng suất, phân bổ nguồn lực và công bằng. Bài bình luận của Nhân dân Nhật báo nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là để cải thiện mức sống của nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài bình luận cho rằng cần phải cải tổ các doanh nghiệp nhà nước độc quyền, bao gồm cả việc thành lập một hội đồng quản trị, kết hợp quản lý và giám sát xây dựng cơ chế quản trị doanh nghiệp phù hợp. Ngoài ra, chính phủ sẽ cần phải tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước và tìm cách đề ra qui chế cạnh tranh trong khu vực tư nhân.
Chống tham nhũng vẫn sẽ phải đóng một vai trò nổi bật trong trận chiến này.
Thị trường không phải là một giải pháp cho tất cả mọi thứ và trong việc đưa Trung Quốc hướng tới định hướng thị trường nhiều hơn, ĐCS Trung Quốc cần phải tìm cách để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp, khoảng cách giàu nghèo là không đáng kể, nhưng ở các nước đang phát triển như các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), khoảng cách này lại cao hơn rất nhiều. Nhân dân Nhật báo viết khoảng cách giàu-nghèo phụ thuộc vào hệ thống phân phối kinh tế của các nước nói trên.
Trận chiến thứ ba đối với ĐCS Trung Quốc là quản lý hữu hiệu quá trình trỗi dậy hòa bình. Khi Trung Quốc phát triển thành một cường quốc thế giới, nước này cần phải tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn lực, thị trường và các đối tác thương mại. Trong lĩnh vực ngoại giao, Bắc Kinh tìm cách phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Nga, Châu Phi và Châu Âu, trong khi tăng cường hiện diện toàn cầu thông qua việc tham gia các diễn đàn như Hội nghị thượng đỉnh BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đồng thời, Trung Quốc đã tránh can dự vào những vấn đề phức tạp và nhạy cảm ở Trung Đông.
Tuy nhiên, theo bình luận của Nhân dân Nhật báo, đối với Trung Quốc, trọng tâm vẫn là Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi nước này vẫn bị lôi kéo vào tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Chịu rất nhiều áp lực từ phía Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực, Trung Quốc cố gắng quản lý trỗi dậy hòa bình của mình thông qua một chiến lược ba mũi nhọn, bài bình luận của Nhân dân Nhật báo viết.
Mũi nhọn đầu tiên là tăng cường hoạt động quân sự của đất nước. Bằng chứng là một loạt các cuộc tập trận trên không, trên biển gần đây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và công bố vũ khí mạnh nhất mới được phát triển là tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động sử dụng nhiên liệu rắn DF-41.
Mũi nhọn thứ hai là Trung Quốc tìm kiếm sự hợp tác chính trị với các nước, nhưng cũng tỏ ra kiên quyết, khi cần thiết, chẳng hạn như không lùi bước trong tranh chấp với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Mũi nhọn thứ ba là khuyến khích cạnh tranh kinh tế. Trung Quốc đã xử lý các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc thông qua từ bỏ dần dần dữ liệu và các dịch vụ thông tin liên lạc do các công ty Mỹ IBM, Oracle và EMC cung cấp và tiến hành điều tra chống độc quyền đối với Qualcomm, Microsoft.