Căn cứ quy định tại Điều 24 Luật Nhà giáo 2025, những chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm:
- Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng;
- Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp;
- Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường;
- Chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa
Ngoài những điều trên, đối với nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong các chính sách sau đây:
Được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;
Được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
Chế độ phụ cấp, trợ cấp theo đối tượng.
Luật Nhà giáo 2025 quy định, địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của địa phương, cơ sở giáo dục.