Dùng AI dựng ảnh "bị CSGT xử phạt" để sống ảo
Thời gian gần đây, mạng xã hội đang rộ lên trào lưu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hình ảnh đang bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản xử phạt.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, trên TikTok, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, không khó để bắt gặp những hình ảnh được tạo bằng AI với độ chân thực cao, mô tả người dùng đứng cạnh xe hơi sang trọng, tạo dáng chuyên nghiệp trong khi bị những người giống lực lượng CSGT (hình ảnh được tạo bởi AI) ghi biên bản.
Một số tài khoản còn lồng ghép nhạc, biểu tượng cảm xúc kèm caption như: “Làm gì cũng phải đẹp kể cả lúc bị phạt”, “Bị phạt mà vẫn phải thần thái”…
Dù được chia sẻ với mục đích giải trí, nhưng trào lưu này nhanh chóng gây tranh cãi. Nhiều ý kiến lo ngại việc sử dụng hình ảnh giả mạo lực lượng chức năng có thể gây hiểu lầm, xuyên tạc sự thật hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
Có thể bị xử phạt
Liên quan đến vấn đề trên, theo báo Vietnamnet, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp cho biết: Việc đăng tải những bức ảnh này lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng.
Những hình ảnh được tạo bởi AI tràn lan trên mạng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Theo luật sư Cường, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào động cơ thực hiện hành vi cũng như hậu quả gây ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng chế tài hình sự trong một số trường hợp (nếu hậu quả được xác định là nguy hiểm cho xã hội). Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP cũng quy định: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong một số trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật có tính chất lạm dụng, có mục đích, dụng ý xấu, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì còn có thể bị xử lý hình sự. Ví dụ, tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, hình phạt tới 7 năm tù.
Theo luật sư Cường, hình ảnh giả lập CSGT xử phạt giữa đường liên tục xuất hiện trên mạng xã hội có thể gây ra những tâm lý tiêu cực, làm phát sinh những suy nghĩ nhận thức lệch lạc. Hình ảnh về thái độ của người vi phạm cũng thể hiện ý thức coi thường pháp luật, có thể tạo ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
Hình ảnh đó cũng có thể dẫn đến những bình luận tiêu cực, những nhận xét đánh giá thiếu tôn trọng lực lượng thi hành công vụ, có thể ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CSGT, đến trật tự an toàn xã hội.
Bởi vậy, hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ra những hậu quả khác nhau thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo các hình thức khác nhau.
Đồng quan điểm, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nếu sử dụng khuôn mặt hoặc danh tính người thật để ghép ảnh AI mà không được sự đồng ý, người thực hiện có thể bị xem là vi phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại còn phải trả thù lao, trừ khi có thỏa thuận khác.
Theo luật sư Liên, ảnh AI hiện nay có độ chân thật rất cao, dễ khiến người xem tin rằng đó là sự kiện có thật. Nếu không kèm chú thích rõ ràng, việc phát tán hình ảnh như vậy có thể dẫn đến hiểu lầm, gây nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín lực lượng chức năng và tạo hệ lụy xã hội tiêu cực. Khi đó, người tạo và lan truyền nội dung không chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý, mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức thông tin trên không gian mạng, thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM.