Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

APEC 2017: Năng động - Đổi mới - Hội nhập sâu rộng

(DS&PL) -

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, tại Hội nghị APEC 2017, hình ảnh, vị thế của Việt Nam được được đánh giá cao cả trên 3 góc độ.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tại Hội nghị APEC 2017, hình ảnh, vị thế của Việt Nam được đánh giá cao cả trên 3 góc độ: Năng động, đổi mới, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới…

Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM).

Là chuyên gia có nhiều đóng góp trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô của Việt Nam, xin ông cho biết đôi điều cảm nhận về thành công của Hội nghị cấp cao APEC trong đó Việt Nam đóng vai trò là nước chủ nhà?

Đến thời điểm này có thể nói Việt Nam đã thành công với tư cách chủ nhà APEC năm nay. Có nhiều dấu ấn, kết quả thể hiện thành công của Hội nghị APEC lần này, song tôi muốn nhấn mạnh 3 điều mà tôi cho là thành công đáng ghi nhận nhất:

Chúng ta biết, trong khu vực và thế giới có những biến đổi nhanh chóng và biến động rất lớn, thậm chí có những va đập, cọ xát về cách tiếp cận, cách nhìn nhận đối với quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đầu tư. Nhưng ứng xử của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của các thành viên APEC thì có thể nói Việt Nam vẫn giữ được linh hồn, mục tiêu của APEC. Đó là liên kết hội nhập khu vực theo tinh thần một khu vực mở, tự do thương mại đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm cùng với thúc đẩy sự thịnh vượng. Đây là điều ai cũng có thể thấy.

Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25. (Ảnh: TTXVN)

Thành công thứ hai thể hiện ở dấu ấn về việc đưa ra và cùng với các thành viên hợp tác trao đổi và cả hỗ trợ. Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến phản ánh rất đúng tinh thần, chủ đề cũng như các ưu tiên của APEC năm nay. Do đó, chúng ta nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên APEC ngay từ trước khi APEC chính thức diễn ra. Có thể kể đến trong Tuyên bố chung theo thứ tự 4 ưu tiên, đầu tiên là sáng kiến về phát triển bao trùm từ kinh tế, xã hội, tài chính đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong kỷ nguyên số... Điều đó phản ánh những vấn đề mà APEC đang phải đối mặt, vượt qua để tạo động lực mới.

Thành công và là dấu ấn thứ ba theo tôi là hình ảnh, vị thế Việt Nam được đánh giá cao cả trên 3 góc độ: Năng động, đổi mới, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Đó là hình ảnh một đất nước rất chu đáo, thân thiện trong tổ chức. Một Việt Nam với sự tin cậy, cùng với hình ảnh một Việt Nam kết nối, một Việt Nam sẵn sàng mở cửa đầu tư thương mại với bên ngoài và là điểm đến được đánh giá là nhiều tiềm năng, ngày càng hấp dẫn, đáp ứng những thông lệ chuẩn mực tốt của quốc tế trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Thưa ông, trong số những điểm nhấn thành công của Hội nghị APEC lần này không thể không nói đến cú “hồi sức” của Hiệp định TPP. Ông nhìn nhận ra sao về TPP sau khi được điều chỉnh?

Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi TPP thì việc tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa hiệp định này đối với 11 nước thành viên còn lại là không dễ dàng. Điều này ai cũng biết vì Hiệp định do Hoa Kỳ dẫn dắt, Hoa Kỳ có trọng số rất lớn dưới góc độ quá trình đàm phán Hiệp định cũng như nhìn nhận tác động của Hiệp định đối với các nền kinh tế của các nước thành viên trong Hiệp định. Thế nên, những nỗ lực của 11 nước TPP còn lại, gắn bó chặt chẽ với tiến trình APEC năm nay, cho đến nay sau nhiều thách thức, trắc trở đã có một kết cục tôi đánh giá là tích cực.

Là Hiệp định của 11 nước thành viên bên lề APEC, nhưng bản thân mục tiêu, nội dung của TPP cũng gắn chặt với điểm cốt lõi mục tiêu của APEC đó là tăng cường liên kết với tính chất của liên kết hội nhập (nói như tuyên bố cấp cao là “mở tự do”) với mục đích cuối cùng là phát triển cho tất cả. Rõ ràng kết quả tích cực này góp phần tạo thêm ý nghĩa cho thành công của APEC.

Thứ hai, sự điều chỉnh này có tính linh hoạt, tất nhiên còn phải chờ các bước đàm phán tiếp theo về một số điểm nhưng tinh thần là giữ được bản chất là một Hiệp định chất lượng cao. Hiệp định này rất quan trọng vì tác động sâu rộng đến quá trình cải cách, cơ cấu. Với Việt Nam là một điểm đột phá mà Việt Nam đang rất cần thúc đẩy hiện nay.

Cái tích cực nữa là các bên đều mong muốn có thêm những nỗ lực để Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – tên mới của TPP phải có những kết quả thể hiện từ khóa cho Hiệp định này. Theo tôi là kết quả tích cực mà bản thân tôi rất mong đợi, đặc biệt sau những quanh co, khúc khuỷu để hiện thực hóa.

Dường như ông rất tâm đắc với vấn đề phát triển kinh tế bao trùm. Xin ông cho biết phát triển kinh tế bao trùm ở Việt Nam gặp phải những khó khăn gì?

Phát triển bao trùm là thách thức đối với mọi nền kinh tế, kể cả nước phát triển, đang phát triển và các nước mới nổi. Việt Nam với tư cách là nền kinh tế đang phát triển thì thách thức còn lớn hơn nhiều. Theo tôi, để có được một không gian cho phát triển bao trùm, những chính sách hỗ trợ đảm bảo cho quá trình này rất không đơn giản, bởi vì 3 lẽ:

Thứ nhất, phát triển bao trùm tính đến rất nhiều khía cạnh của sự phát triển như thu nhập, các vấn đề xã hội, vấn đề môi trường... Việt Nam có nền kinh tế với khung pháp lý còn đang trong quá trình hoàn thiện, do đó đây là một thách thức không nhỏ. Thứ hai, ngay cả các nước phát triển cũng có rất nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải nghiên cứu, phải có những trải nghiệm thực tiễn nhất định, bởi có rất nhiều điều mới hiện nay chúng ta chưa hình dung hết, chưa đủ điều lý luận và thực tiễn để lường trước. Điểm thứ ba về nguồn lực. Tất cả đòi hỏi nguồn lực rất lớn không chỉ là tài chính mà còn là chất xám, con người.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!  

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói về CPTPP:

Đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua!

Bộ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị APEC. (ảnh: CafeF)

Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng, vì nó không những là một dự thảo hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao, mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia. Vì vậy khi Mỹ - một quốc gia có sức nặng kinh tế - rút ra khỏi TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Bốn vòng đàm phán của cấp trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này.

Tuy nhiên, với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp chúng tôi đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của TPP 11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 là có những điểm cân bằng mới. Vấn đề tiếp theo là còn một số yêu cầu cần cụ thể hóa trước khi có thể ký kết chính thức. Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy.

Minh Minh

Tin nổi bật