Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

APEC 2017: Các nước tham gia CPTPP có thể tạm hoãn hạn chế một số nghĩa vụ

(DS&PL) -

Các nước tham gia CPTPP có thể tạm hoãn một số lượng hạn chế các nghĩa vụ của mình. Đó là nội dung chính trong tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng TPP ở Đà Nẵng.

Các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể tạm hoãn một số lượng hạn chế các nghĩa vụ của mình. Đó là nội dung chính trong tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng TPP ở Đà Nẵng.

Tuyên bố chung có đoạn: “Các Bộ trưởng vui mừng thông báo rằng các nước TPP đã thống nhất các nhân tố cốt lõi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các Bộ trưởng cũng đồng ý đối với Phụ lục I và Phụ lục II (đính kèm theo) theo hướng duy trì các nội dung của Hiệp định TPP với việc cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế các nghĩa vụ của mình”. 

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhất trí danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần thêm sự đồng thuận trước khi ký kết.

Các Bộ trưởng nhất trí rằng: “CPTPP phải duy trì được tiêu chuẩn cao, có sự cân bằng tổng thể và đảm bảo tính toàn vẹn của Hiệp định TPP trong khi vẫn phải đảm bảo lợi ích về thương mại và các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia”. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì Họp báo về kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Hiệp định này cũng cần phải bảo đảm quyền, sự linh hoạt của các nước tham gia trong việc xây dựng và điều hành chính sách của mình. 


Mặt khác, các Bộ trưởng cũng khẳng định mỗi nước đều có quyền bảo tồn, phát triển và thực thi các chính sách về văn hóa. Các Bộ trưởng cho rằng Hiệp định CPTPP cần phản ánh mong muốn của các nước trong việc thực thi kết quả của Hiệp định TPP giữa các bên. 

Các Bộ trưởng xác nhận rằng văn kiện pháp lý của Hiệp định CPTPP cho phép các nước tham gia được hành động dứt khoát và kịp thời trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung của mình. 

Các Bộ trưởng cũng tái khẳng định rằng Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết vững chắc đối với việc mở cửa thị trường, đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. 

Liên quan đến Điều 6 của Hiệp định CPTPP, các Bộ trưởng chia sẻ quan điểm rằng các nước có thể mở rộng việc rà soát tới cả những đề xuất sửa đổi Hiệp định CPTPP để phản ánh tình trạng của Hiệp định TPP. 

Thêm vào đó, các Bộ trưởng quyết định rằng tất cả các thư song phương được ký kết giữa 11 nước TPP về nguyên tắc sẽ tiếp tục được duy trì trừ khi các bên liên quan quyết định khác.

Các Bộ trưởng giao cấp kỹ thuật tiếp tục triển khai các công việc kỹ thuật, kể cả việc tiếp tục hoàn tất các vấn đề chưa đạt được đồng thuận cũng như rà soát pháp lý lời văn bằng tiếng Anh và các bản dịch, nhằm chuẩn bị lời văn cuối cùng cho việc ký kết. 

Các Bộ trưởng thừa nhận rằng mỗi nước sẽ cần phải tuân thủ các quy trình trong nước của mình, bao gồm cả việc tham vấn công chúng, trước thời điểm ký kết. 

Hội nghị Bộ trưởng TPP diễn ra tại Đà Nẵng trong các ngày 9 và 10/11 tại Đà Nẵng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Các bộ trưởng trong phiên họp những ngày vừa qua ở Đà Nẵng đã thống nhất một số nội dung quan trọng; trong đó có việc thống nhất tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 

Đồng thời, các Bộ trưởng cũng ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP cũng thống nhất các vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của hiệp định. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Bộ trưởng nhất trí rằng CPTPP là một hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của mỗi nước. 

Các Bộ trưởng tiếp tục giao cho các trưởng đoàn đàm phán để xử lý kỹ thuật các vấn đề vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành công tác pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định”. 

TPP được ký kết chính thức giữa 12 nước tham gia gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam vào ngày 4/2/2016. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại) và mức độ cam kết rất cao. 

Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi TPP. Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này. 

Sau vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại Nhật Bản đầu tháng 11/2017, các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP còn lại đều tỏ ý muốn đạt được tiến triển và kết quả tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Tin nổi bật