(ĐSPL) - Các chuyên gia pháp lý cho rằng, án lệ có nhiều ưu điểm nhưng đòi hỏi sự chuẩn mực và công bằng từ quyết định của các bản án giám đốc thẩm. Án lệ không chuẩn mực nếu được "nhân bản" tạo ra những hậu quả khó lường.
Án lệ tạo ra sự công bằng?
Án lệ là vấn đề được thảo luận nhiều tại cuộc họp mới đây của ủy ban Tư pháp Quốc hội về dự luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo dự luật, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ phải thực hiện nhiệm vụ "Tổng kết thực tiễn xét xử của các Toà án nhân dân; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phát triển án lệ".
Theo quan điểm của ban soạn thảo dự luật, các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao sẽ trở thành chuẩn mực pháp lý, có giá trị hướng dẫn chung đối với tòa án các cấp theo nguyên tắc "các vụ án tương tự phải được xét xử và phán quyết như nhau".
Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện tỏ ra rất đồng tình với quy định về án lệ của dự luật. Ông cho rằng, thừa nhận án lệ sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Đồng thời, án lệ sẽ giúp khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay.
Theo các chuyên gia pháp lý, khi áp dụng án lệ thì một phán quyết của tòa án, ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một "tiền lệ" để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử, giúp tiên lượng được trước kết quả của các vụ tranh chấp. Ngoài ra, điều này giúp các bên lưu ý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, tiết kiệm công sức của các thẩm phán và người tham gia tranh tụng.
Lâu nay, trên thế giới, việc áp dụng án lệ trong xét xử đã phổ biến ở rất nhiều quốc gia. Nhiều người kỳ vọng, đây là sẽ là cách thức hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc "lách luật" do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng.
|
Án lệ sẽ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và giảm án oan, án treo? (Ảnh minh họa). |
Chấm dứt thực trạng "tuyên" tùy tiện của cán bộ tố tụng?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Hà Đăng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: "Nếu áp dụng án lệ thì nhân dân sẽ được nhờ rất nhiều. Việc phán quyết sẽ không theo "nguyên tắc" của một số thẩm phán như hiện nay. Khi người ta có những hành vi tương tự, giống nhau, cùng hoàn cảnh, điều kiện, người tranh tụng sẽ tiên lượng được trước kết quả. Trước đây, khi không có án lệ thì cùng một hành vi nhưng quận này thích thì xử thế này, quận kia không thích thì có thể xử khác. Trong cùng hoàn cảnh, toà thích thì cho án treo, không thích thì tuyên án giam. Chính vì vậy, có thể nói, án lệ là mơ ước của người dân".
Nhấn mạnh về lợi ích của án lệ, luật sư Hà Đăng cho rằng: "áp dụng án lệ là thuận lợi cho chính những cá nhân tiến hành tố tụng. Người ta không còn mất thời gian bàn cãi, đồng thời khắc phục được những hạn chế về trình độ không đồng đều, áp dụng tuỳ tiện của những cá nhân, địa phương hay các bộ phận nào đó. Hoạt động tư pháp đang rất cần thiết có án lệ. án lệ sẽ vượt lên ý chí cá nhân của một số người nào đó muốn chỉ đạo những hoạt động tư pháp làm nó không phù hợp với nguyên tắc và hoặc không đảm bảo tính công bằng".
Luật sư Hà Đăng phân tích thêm, án lệ sẽ được áp dụng cho nhóm hành vi tương tự giống nhau, mức độ tương tự giống nhau. Trên một bản án phải đầy đủ nguyên tắc chứng minh tội phạm. Những vụ án có cùng nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm tội sẽ thường có chung ở một nhóm tội hoặc nhóm cá nhân nào đó.
Chẳng hạn với vị thành niên, bao giờ cũng có tâm lý phạm những tội tương tự. Nguyên nhân, điều kiện dẫn tới phạm tội, động cơ mục đích na ná giống nhau. Chẳng hạn đua xe, gây rối trật tự là do họ thường bồng bột, thích thể hiện...
Cũng theo luật sư Hà Đăng, áp dụng án lệ sẽ giúp chỉ ra những người làm không đúng quy định. án lệ đã được nhiều nước áp dụng và nó rút ngắn thời gian tranh cãi nhau, đảm bảo được sự công bằng cho người dân.
Chính vì thế, các quyết định của bản án giám đốc thẩm sẽ phải chuẩn mực và đầy đủ về tất cả các yếu tố về hành vi có tội, hành vi buộc tội, hành vi giảm nhẹ, hành vi gỡ tội. Chẳng hạn, với trường hợp này, theo án lệ là không có tội thì với trường hợp tương tự như thế ở tất cả các cấp, các huyện, các tỉnh khác từ nông thôn đến thành thị, bắt buộc phải tuân thủ. Nếu không tuân thủ, người nào đó phát hiện ra cùng những trường hợp giống nhau nhưng người này có tội, người kia không có tội thì sẽ lộ ra những người "ăn gian" "lách luật".
Từ đó, người dân sẽọ có cơ sở để đấu tranh, đảm bảo sự công bằng. Sự tuỳ tiện của những cá nhân khi tiến hành tố tụng; năng lực trình độ hạn chế của một số cán bộ, những động cơ mục đích cá nhân trong việc đánh giá... sẽ qua án lệ mà lộ ra.
"Sai một ly, đi một dặm"
Có cách nhìn nhận khác, ông Đoàn Xuân Hội, nguyên Phó Giám đốc sở Tư pháp Bình Dương cho rằng: án lệ có nhiều điểm hay, song có thể có nhiều cái dở, nếu nhìn vào thực tế của nước ta. ưu điểm của án lệ là sẽ đỡ tồn án. Cứ thấy dạng như thế là "dập" vào lệ thôi. Đồng thời cũng giảm bớt công chức của toà, vì đã là lệ thì toà xử cũng ít đi. Như thế, kinh phí chi trả cho cán bộ cũng ít hơn.
Tuy nhiên, nhìn nhận về thực tế hiện nay, vị chuyên gia này phân tích: Trình độ xử lý của thẩm phán cũng như thẩm quyền của thẩm phán Việt Nam khác với các nước trên thế giới, cho nên, chất lượng án chưa được chính xác như của các nước. Án lệ thường áp dụng cho những án như hôn nhân... còn những án hình sự thì thường các nước xem xét rất kỹ.
Ở nước ta, hiện nay có hội chứng là án dân sự xử sao cũng được. Đây là vấn đề đã được nêu nhiều lần trên nghị trường Quốc hội. Thẩm phán nhiều nơi xử rất tèm lem, xử không có trách nhiệm. Chất lượng của án như thế, nếu căn cứ làm án lệ thì sẽ tạo ra rất nhiều oan, sai, đã sai thì ai sửa?
Tất nhiên cũng có cơ chế sửa nhưng đến mức là án lệ rồi mà sửa thì rất khó. Nhà nước sẽ có cơ chế để sửa nhưng sửa án lệ không phải như các án thường. Những án thường hiện nay đang xử khi kháng cáo lên đến tái thẩm, giám đốc thẩm đã gian nan vất vả rồi. Nếu, án lệ sửa thì sẽ vất vả hơn nhiều, vất vả cả người dân và cơ quan sửa.
Ông Hội cho rằng, cần xem xét lại quá trình xét xử ở nhiều địa phương hiện nay. Nhiều án, các HĐXX địa phương tuyên sai. Dân phải khổ sở, "bấm bụng" chịu. Người ta kháng cáo này, kháng cáo kia, tốn tiền nhưng không được gì cho nên cũng đành chịu oan.
Thực tế, cán bộ làm việc tại toà cơ sở hiện nay chưa tốt, còn sai sót. Chẳng hạn, cán bộ địa chính ở xã phường, ủy ban nhân dân xác nhận giấy tờ đất đai còn chưa chuẩn xác. Sai nhiều nhưng khi xét xử vì cũng phải bảo vệ chính quyền nên toà cứ làm sai, người dân phải chịu thiệt thòi.
Nếu áp dụng án lệ chuẩn mực sẽ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được chi phí, tuy nhiên, theo ông Hội, áp dụng án lệ không chuẩn thì còn tốn kém hơn. Với thực tiễn hiện nay, án oan sai cũng khá nhiều, án lệ phạm vào oan sai kiểu đó mà dân đi xin xử lại, tốn kém, vất vả, gian nan hơn.
"Tôi cho rằng, chưa nên áp dụng án lệ ở nước ta, vì trình độ thẩm phán chưa tốt, có người còn không nắm được kiến thức cơ bản... thì án lệ sao được. Xu thế thì nên nhưng trong thời điểm này thì chưa", ông Hội nhấn mạnh.
Các bản án đưa vào án lệ phải đảm bảo chuẩn mực và công bằng Luật gia Huỳnh Chiêu, nguyên Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu cho biết: "án lệ đã được hình thành từ lâu trên thế giới, chỉ có điều, lâu nay ta chưa áp dụng. Tôi đồng tình với việc đưa án lệ vào trong luật. Nhưng, các cơ quan chức năng cần lưu ý, các bản án đưa vào án lệ phải đảm bảo chuẩn mực, bởi khi thực thi cho các trường hợp giống nhau thì sẽ có sự xét xử giống nhau. Án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng. Một quy tắc án lệ không phải hình thành từ một bản án cụ thể, mà nó phải được hình thành qua hàng loạt các vụ việc tương tự về sau; đồng thời nó là kết quả của quá trình đưa ra những lý lẽ và tranh luận lâu dài". |