Dám làm điều chưa ai làm
Anh Nguyễn Hữu Trung, sinh năm 1984, trú tại thôn Bình Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, là một nông dân dám nghĩ dám làm. Sở hữu ao nuôi rộng hơn 1.000 m2, anh Trung ban đầu chọn nuôi các loại cá truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Không nản lòng, anh chủ động tìm tòi, học hỏi và nhận thấy tiềm năng lớn từ việc nuôi chạch sụn.
Ao nuôi cá chạch của anh Trung. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Chạch sụn không chỉ có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao mà còn được thị trường ưa chuộng với giá cả ổn định. Loài cá này cũng rất dễ nuôi, thích nghi tốt với nhiều môi trường sống khác nhau. Tuy nhiên, việc chưa có hộ nào trong vùng nuôi chạch sụn khiến anh Trung không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Không để những băn khoăn cản trở bước tiến, anh Trung đã tìm đến các cơ sở nuôi chạch sụn thành công ở Hà Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tháng 2/2023, anh quyết định đầu tư gần 20 vạn con giống chạch sụn về thả nuôi trên ao nhà.
Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, khoa học, sau hơn 4 tháng, đàn chạch sụn của anh Trung phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt trên 70%. Đến kỳ thu hoạch, chạch đạt trọng lượng 40-50 con/kg, sản lượng ước đạt hơn 1,4 tấn. Với giá bán 100.000 đồng/kg, anh Trung thu về hơn 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 70 triệu đồng - một con số ấn tượng đối với vụ nuôi đầu tiên.
Sau hơn 4 tháng thả nuôi, chạch sụn đạt trọng lượng 40-50 con/kg. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Thành công của anh Nguyễn Hữu Trung trong việc nuôi chạch sụn không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình mà còn mở ra hướng đi mới cho người nông dân trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cách nuôi cá chạch đơn giản, hiệu quả
Chuẩn bị ao, bể nuôi
Bà con có thể nuôi cá chạch bùn ở ao đất, bể xi măng, bể lót bạt, tùy theo điều kiện đầu tư để quyết định diện tích nuôi.
Nên thiết kế bể có diện tích vừa phải từ 5 - 10m2 để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch. Ao, bể chủ động nước, cống lấy nước vào, tháo ra đối diện nhau là tốt nhất, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Chọn giống
Giống khai thác tự nhiên: bắt bằng đơm đó, chũm, không mua giống đánh bắt bằng điện. Giống phải đồng đều 4-6 cm, không xây xát, mất nhớt.
Giống nhân tạo: Khi ép đẻ cá chạch bùn, khó khăn nhất là thời gian nuôi từ trứng ra con giống dài từ vài li đến 3cm. Chạch bùn sau khi được 3cm sẽ sống khoẻ, nuôi dễ dàng. Nên chọn cỡ giống 1,5-2g/con
Mật độ thả
Thả 45 con/m2 hoặc 10-15kg chạch giống/100m2 ao. Cá nên được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu cá được vận chuyển bằng túi nilong bơm oxi, trước khi thả phải ngâm túi chứa cá vào ao thả từ 15-20 phút để tránh sốc do nhiệt độ và môi trường nước ao thay đổi.
Kỹ thuật cho cá chạch ăn
Có thể nuôi cá chạch bằng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức, cá tạp, ốc xay.
Thức ăn cho cá chạch phải đảm bảo hàm lượng đạm từ 30 - 35%.
Cá chạch bổ dưỡng được ví như "nhân sâm dưới nước". Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Lượng thức ăn: 5 - 8% trọng lượng cá chạch trong bể.
Cá chạch ăn ít nên phải cho ăn 2 - 4 lần/ ngày. Cụ thể:
Trong 20 ngày đầu cho cá ăn 4 lần/ngày.
Ngày thứ 21 đến 2 tháng cho cá ăn 3 lần/ngày.
Từ 2 tháng đến khi xuất bán cho ăn 2 lần/ngày.
Khuyến cáo: Bà con nên dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi cho cá chạch để giảm ô nhiễm nước bể nuôi và cho năng suất cao.
Phòng bệnh
Cá chạch bùn ít bị bệnh, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì cũng dễ bị bệnh. Cá chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3-5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.
Trị bệnh
Khi phát hiện cá chạch bị nấm có thể tắm cho bằng các loại hóa chất sau: Nước muối 3%; hoặc KMnO4 liều lượng 20g/m3 nước, thời gian 10-15 phút.
Trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn: Doxycyline 0,2-0,3g/kg thức ăn; Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn, cho ăn 5-7 ngày liên tục.
Thu hoạch
Sau 5 tháng nuôi cá đạt cỡ 30 - 40g/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu một phần trong ao hoặc thu tất cả tùy theo nhu cầu thị trường. Thu toàn bộ cá trong ao bằng cách tháo cạn nước.
Vì sao cá chạch được ví như "nhân sâm dưới nước"?
VTC News dẫn lời Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, trong Đông y, cá chạch được ví như "sâm nước" bởi nhiều tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lý. Trong cá chạch nhiều lysine - thành phần thiết yếu hình thành tinh trùng. Vì vậy, ăn cá chạch không chỉ giúp tăng số lượng mà còn cả chất lượng tinh trùng.
Bài viết của BS Kim Minh cho biết trên báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, trong 100g thịt chạch có 16,9g protit, 2g lipit, 3,2g gluxit, 169mg canxi, 327mg phospho, 3,2mg sắt, các vitamin B1, B2, PP, E. Như vậy, giá trị dinh dưỡng của cá chạch cũng tương đương như nhiều loại cá nước ngọt khác, nhưng chạch được Đông y đánh giá cao hơn về bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh.
Cá chạch đem lại nhiều tác dụng với sức khoẻ. Ảnh minh họa
Theo y học cổ truyền, cá chạch vị ngọt tính bình, tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, trừ thấp. Nó thường được dùng để chữa các bệnh liệt dương, suy giảm tình dục, viêm gan vàng da, mụn nhọt, lở loét, cơ thể suy nhược, mắc bệnh gan, thận mạn tính. Cách dùng chủ yếu để chữa bệnh và bồi bổ cơ thể là dưới dạng món ăn - bài thuốc.
Chữa suy giảm tình dục: Lấy 5-6 con chạch, tẩy hết mùi tanh. Mổ chạch, bỏ ruột, lọc lấy thịt, bảo toàn bộ xương. Đổ dầu vào nồi, dùng lửa nhỏ rán cho mềm xương rồi cho thịt chạch vào rán. Thêm 300ml rượu hoặc 600ml nước, một lát gừng, đun nhỏ lửa cho đến khi nước còn lại một nửa và chuyển thành màu sữa là được.
Lấy nước này, thêm muối, hạt tiêu rồi uống và ăn thịt. Dùng liên tục nhiều ngày. Người bị suy giảm tình dục, suy nhược tinh thần và thể lực, mắc bệnh gan, kém ăn, xanh xao thiếu máu... dùng món ăn này đều rất tốt.