Bén duyên với nghề nuôi con "siêu độc", tên trong Sách Đỏ là Long Thừa, anh Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1975 tại ấp Bình An I, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) thoát nghèo bền vững.
Con vật "siêu độc" nói trên là rắn hổ hèo thuộc loài rắn hổ, là loài rắn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tên gọi của loài rắn này tùy vào nơi nó sống. Rắn hổ hèo có giá trị trong y học và là loại thực phẩm bổ dương thơm ngon. Giá bán trên thị trường với mức giá khá cao, bình quân từ 450.000 đồng/kg.
Năm 2018, nhận thấy tiềm năng của thị trường rắn hổ hèo, gia đình anh Nguyễn Hữu Phước đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm loài rắn này. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong mô hình nuôi rắn Long Thừa, năng suất thu hoạch ban đầu chưa đạt như mong đợi.
“Ban đầu khi mới bắt đầu nuôi rắn, chưa có kinh nghiệm nên rắn không lớn, năng suất thấp. Sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi rắn hổ hèo và học hỏi kinh nghiệm từ báo, đài và những người đi trước, giờ đây mô hình nuôi rắn hổ hèo của gia đình đã ổn định và mở rộng quy mô nuôi,...", báo Dân Việt dẫn lời anh Phước.
Anh nông dân thoát nghèo nhờ nuôi rắn hổ hèo. Ảnh: Dân Việt
Mô hình nuôi rắn hổ hèo của anh Phước mang lại thu nhập đáng kể, mỗi lứa nuôi trong 12 tháng có thể đạt 80-100 triệu đồng. Bên cạnh việc bán rắn thịt, việc bán rắn giống cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, với mỗi lứa rắn con từ 100 con rắn mẹ có thể mang về trên 100 triệu đồng.
Rắn hổ hèo trưởng thành sau 1 năm đạt trọng lượng 1,3-1,6 kg/con và có khả năng sinh sản tự nhiên. Mỗi rắn mẹ đẻ 7-10 trứng/lứa, trứng được ấp trong thùng gỗ kín để đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ. Sau 75 ngày, tỷ lệ nở trứng rất cao và rắn con phát triển nhanh chóng, có thể bán làm giống sau 7-8 ngày tuổi với giá 180.000-200.000 đồng/con.
Anh Phước cho biết, nuôi rắn hổ hèo có nhiều lợi thế hơn so với nuôi trăn, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn. Rắn hổ hèo có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, chi phí đầu tư ban đầu thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nông dân.
Về chuồng trại, anh Phước chia sẻ có thể sử dụng chuồng xi măng hoặc chuồng lưới, mỗi chuồng có diện tích khoảng 2m2, đủ để nuôi 50 con rắn. Thiết kế chuồng cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa, có vĩ tre cho rắn nằm và lưới sắt để tạo độ thoáng mát.
Trong quá trình nuôi, việc phân loại rắn thường xuyên là rất quan trọng để kịp thời phát hiện và cách ly rắn bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.
Anh Phước nhấn mạnh, nguồn thức ăn đóng vai trò quyết định trong việc nuôi rắn hổ hèo thành công. Rắn hổ hèo lớn nhanh nên cần lượng thức ăn lớn và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.
Là loài mới được thuần hóa, rắn hổ hèo có sức đề kháng tốt và khả năng thích nghi cao. Tuy nhiên, chúng khá kén ăn, chỉ ăn mồi sống như cóc, nhái và tần suất ăn chỉ 2-3 lần/tuần. Giai đoạn rắn nhỏ, thức ăn chủ yếu là nhái con, sau 6 tháng có thể chuyển sang ếch, cóc, chuột tùy điều kiện.
Bên cạnh đó, việc chọn rắn bố mẹ cũng rất quan trọng để đảm bảo chất lượng con giống. Tiêu chí chọn là dựa trên ngoại hình và sức khỏe, ưu tiên những con không có tiền sử bệnh tật từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành.
Rắn hổ hèo có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh minh họa
Anh Phước chia sẻ thêm, để đảm bảo chất lượng con giống, cần chọn những con rắn khỏe mạnh, chóng lớn, da mượt và thân hình cân đối. Đặc biệt, rắn bố mẹ phải khác dòng để tránh tình trạng cận huyết, thoái hóa giống.
Bên cạnh việc chọn giống, việc đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao cũng rất quan trọng. Để đạt được điều này, anh Phước khuyến nghị nuôi ghép 2 con rắn đực với 10 con rắn cái. Sau khi phối giống, rắn cái sẽ đẻ trứng sau khoảng 30-35 ngày, mỗi con có thể đẻ từ 12 đến 21 trứng.
Rắn hổ hèo thuộc loài rắn hổ, tên khoa học là Ptyas Mucosus. Đây là loài rắn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tên gọi của nó tùy vào nơi nó sống. Ở miền Đông người ta gọi rắn có trong Sách Đỏ này là rắn Long Thừa, miền Tây gọi là rắn hổ hèo, miền Trung gọi là rắn ráo trâu và miền Bắc là rắn hổ trâu.
Rắn hổ hèo không những không phải là loài rắn độc nguy hiểm mà còn có nhiều công dụng trong y học, thường được dùng làm thuốc chữa bệnh. Vì lý do này mà rắn hổ hèo đang được bán trên trị trường với mức giá trung bình khá cao.
Cách nhận biết rắn hổ hèo: Rắn hổ hèo cỡ lớn, có 2 hàng vảy thái dương, 17 hàng vảy thân. Khi tức giận, rắn cũng phình cổ song theo chiều trước ra sau chứ không bạnh theo chiều ngang như rắn hổ mang. Đầu xám nâu. Những tấm vảy mép trên và mép dưới có viền đen. Lưng xám nâu, từ nửa thân phía sau đến mút đuôi có những đường to gấp khúc chạy ngang thân. Bụng có màu vàng hoặc trắng đục, ở bờ sau của mỗi vảy bụng có viền đen. Chiều dài cơ thể tới 2m.
Thức ăn chủ yếu của rắn hổ hèo là chuột. Ngoài ra chúng còn ăn ếch, cóc, nhái và chim. Rắn hổ hèo đẻ trứng vào tháng 5 – 7, mỗi lứa từ 9 – 14 trứng.
Môi trường sống của rắn hổ hèo là các bụi cây, hang của chúng là những hang chuột bỏ không trong các gò đống hoặc dưới các bụi tre. Rắn đi bắt mồi cả ngày lẫn đêm. Chúng leo trèo và bơi giỏi.